Tp.HCM nỗ lực bứt phá, kinh tế phục hồi sau “bạo bệnh chưa có tiền lệ”

Tp.HCM nỗ lực bứt phá, kinh tế phục hồi sau “bạo bệnh chưa có tiền lệ”

Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

Thứ 5, 07/04/2022 08:00

Sau nửa năm từ khi kết thúc các biện pháp giãn cách xã hội vì cao điểm dịch Covid-19, nền kinh tế của Tp.HCM ghi nhận tốc độ hồi phục nhanh chóng.

Nhiều tín hiệu tích cực đầu năm

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH cao su Đức Minh, kiêm Chủ tịch Hội Nhựa cao su Tp.HCM (RPMA) cho biết, hầu hết các thành viên trong hội đều có đơn hàng xuất khẩu tăng ít nhất từ 10 - 30% so với trước.

Các doanh nghiệp nhận được đơn hàng tăng đều ở nhiều mặt hàng khác nhau, quy mô đặt hàng cũng rất đa dạng do nhu cầu hồi phục tiêu dùng ở từng thị trường xuất khẩu cũng rất khác nhau.

Đơn hàng tăng có cả nguyên nhân nhiều nhà đặt hàng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và một số thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành khôi phục mạnh nhu cầu tiêu dùng”, ông Quốc Anh nói.

Tương tự, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp.HCM (Agtek) thông tin, khảo sát nhanh mà Agtek vừa thực hiện cho thấy đơn hàng được 90% doanh nghiệp ký đủ đến hết quý II/2022, thậm chí có 30 - 40% doanh nghiệp đạt được các đàm phán thỏa thuận cho cả năm.

Do đó, nhiều doanh nghiệp đang tranh thủ thời điểm thuận lợi để tăng công suất vì có nơi buộc phải giao gấp do yêu cầu của nhà đặt hàng.

“Dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu khiến nhiều nhà đặt hàng cũng linh hoạt, họ thay đổi nơi sản xuất liên tục để tránh bị gián đoạn nguồn cung.

Để cạnh tranh, không ít doanh nghiệp trong nước cũng phải thích ứng theo tình hình sản xuất mới. Nếu đáp ứng tốt, doanh nghiệp mới có khả năng giữ được hợp đồng với mức giá thích hợp", ông Hồng phân tích.

Kinh tế vĩ mô - Tp.HCM nỗ lực bứt phá, kinh tế phục hồi sau “bạo bệnh chưa có tiền lệ”

Các doanh nghiệp dệt may tại Tp.HCM đã nhận được đơn hàng xuất khẩu với giá trị lớn từ đầu năm 2022.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Tp.HCM đã lấy lại ngôi vị "quán quân" xuất khẩu của cả nước khi thu về gần 9 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2022, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn nhận điều này, trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM đánh giá, đây là tín hiệu rất tích cực, được người dân mong và doanh nghiệp mong đợi, cho thấy Tp.HCM đã hồi phục sau cơn bệnh rất nặng do đại dịch Covid-19.

“Điều này cũng cho thấy ngay trong thời điểm dịch, Thành phố vừa kiên cường chống dịch vừa chuẩn bị cơ hội sớm nhất để phục hồi, khi thấy có cơ hội kiểm soát được dịch bệnh là chuẩn bị ngay kịch bản để phục hồi kinh tế”, ông Ngân cho hay.

Chuyên gia kinh tế này cũng chỉ ra, Tp.HCM đã lấy nền tảng là kết quả phòng chống dịch, thích nghi linh hoạt với tình hình dịch bệnh để ban hành các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Tp.HCM giai đoạn 2022 - 2025 theo hướng tập trung cho mũi nhọn đầu tiên là y tế.

Địa phương tập trung đầu tư để nâng cao tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng, y tế điều trị, thuốc, vắc-xin... nhằm vững tin mở cửa toàn bộ các hoạt động về kinh tế - xã hội, ngay cả giáo dục như việc trẻ đi học trở lại hay mở các dịch vụ karaoke, vũ trường... và hiện nay là du lịch quốc tế để hoàn toàn mở cửa toàn bộ, khôi phục nền kinh tế như trước khi có dịch Covid-19.

Để sự phục hồi này bền vững, ông Ngân cho rằng, trong quý I và II/2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế Tp.HCM chắc chắn chưa thể tăng tốc quá nhanh mà phải từ quý III trở đi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tp.HCM sẽ thể hiện sự bứt phá.

“Sáu tháng đầu năm nay là giai đoạn Tp.HCM phục hồi, giai đoạn mà chúng ta lấy lại sức khỏe, lấy lại đà sau những cái mất đi của dịch bệnh. Sáu tháng cuối năm chúng ta mới có thể tăng tốc được”, ông Nhân nhìn nhận.

Kinh tế tăng trưởng dương, lấy lại đà phát triển

Ngày 5/4, UBND Tp.HCM tổ chức hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm. 

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT) Tp.HCM cho biết, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Tp.HCM (GRDP) quý I/2022 ước tính tăng 1,88% so với cùng kỳ. Từ mức giảm sâu ở quý III và IV/2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, đến nay thì kinh tế Tp.HCM đã dần ổn định và phục hồi tăng trưởng dương.

 “Sau thời gian “bạo bệnh chưa có tiền lệ”, Tp.HCM đã có bước hồi phục và đứng lên khởi sắc cho thấy dư địa, tiềm lực và sức sống của doanh nghiệp kinh tế Tp,HCM khá tốt. Thành phố đã đạt mức tăng trưởng dương, tín hiệu này cho thấy Tp.HCM đang phục hồi nhanh, sớm hơn kỳ vọng”, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai đánh giá.

Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 2,87% so với cùng kỳ, đóng góp 96,8% vào tốc độ tăng GRDP. Riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu của Thành phố này tăng 4,2%. Đến nay, trên 98% các cơ sở sản xuất đã mở cửa nhà máy, phân xưởng sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, không bị đứt gãy.

Các điểm bán lẻ, hệ thống phân phối, nhà hàng, khách sạn, hàng quán kinh doanh ăn uống,... đã mở cửa trở lại toàn hệ thống, tổ chức kinh doanh song song cả phương thức trực tiếp (offline) và trực tuyến (online).

Bên cạnh đó, mặc dù hoạt động xuất khẩu của Tp.HCM vẫn chịu tác động của đại dịch Covid-19, biến động địa chính trị tại một số thị trường nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu quý I/2022 tiếp tục duy trì đà phục hồi.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Tp.HCM qua cửa khẩu cả nước 3 tháng đầu năm ước đạt 11,9 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ.

Trong khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 3 tháng đầu năm ước tăng 1,04% so với cùng kỳ thì 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 5,39% so với cùng kỳ.

Cũng trong thời gian này, có 9.150 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là gần 146.000 tỷ đồng (tăng gần 28% về số lượng doanh nghiệp và giảm 7,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ).

Có 938 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm gần 21% so với cùng kỳ; hơn 10.300 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 58% so với cùng kỳ; 6.248 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng gần 397% so với cùng kỳ.

Kinh tế vĩ mô - Tp.HCM nỗ lực bứt phá, kinh tế phục hồi sau “bạo bệnh chưa có tiền lệ” (Hình 2).

Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi đánh giá cao sự nỗ lực của hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp địa phương trong việc phục hồi, phát triển kinh tế xã hội sau giai đoạn dịch Covid-19 cao điểm.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, bên cạnh sự điều hành hệ thống chính trị rất quyết liệt thì sự chủ động, năng động, sức bật, tinh thần tiến thủ rất lớn của người dân và cộng đồng doanh nghiệp Tp.HCM là yếu tố quan trọng giúp cho nội lực của kinh tế Tp.HCM phục hồi và phát triển.

“Trên cơ sở các kết quả đạt được và chưa đạt được, chúng ta cần tập trung làm rõ những hạn chế, tồn tại để sự phục hồi, phát triển thời gian tới đồng bộ hơn”, Chủ tịch Phan Văn Mãi chỉ đạo.

Ông Mãi chỉ ra, thực tế cho thấy doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm, sức mua chưa phục hồi hoàn toàn; chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng gấp đôi, xu hướng tăng giá nguyên nhiên vật liệu hiện nay sẽ có thể gia tăng lạm phát và sẽ có những “cơn bão” giá, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Do đó, Tp.HCM sẽ quan tâm hơn các giải pháp về mặt xã hội, kịp thời chăm lo cho các đối tượng yếu thế.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.