Tiếp tục đảm bảo cơ sở trường lớp
Cuối tháng 4/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh có thông tin về Đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm ngày thống nhất đất nước. Đề án này được xây dựng dựa trên vốn đầu tư công và vốn đầu tư xã hội hóa của Thành phố.
Theo đó, tính đến nay, 2 công trình đã hoàn thành và dự kiến khoảng 12 công trình trường học đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện để có thể kịp thời đưa vào sử dụng trong năm học 2024-2025. Trong đó, dự án xây dựng mới trường THCS Nguyễn Thái Bình trên địa bàn quận 6 (đã hoàn thành vào đầu năm 2024) có quy mô lớn nhất gồm 40 phòng học và các khối phòng chức năng.
Tuy nhiên, thời gian qua có những thay đổi mới về quy định trong các thủ tục về đầu tư công và các quy định liên quan khác về quy hoạch, đất đai… dẫn đến quá trình triển khai thực hiện các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải trải qua nhiều bước.
Kế hoạch này cũng gặp một số vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. Ngoài ra, việc đảm bảo định mức diện tích đất bình quân/học sinh theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT cũng là vấn đề khó khăn khá lớn đối với đặc thù của thành phố Hồ Chí Minh.
Điều này đã tạo không ít những khó khăn trong công tác xây dựng đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp và tăng số lượng phòng học ở tất cả cấp học hiện nay, đặc biệt là các khu vực trong nội thành.
Để tháo gỡ bất cập trên, Sở GD&ĐT đã có đề xuất kiến nghị và cùng với các sở ngành tham mưu UBND Thành phố báo cáo Bộ GD&ĐT và Bộ Xây dựng xem xét, tháo gỡ.
Nhìn chung, hiện tại thành phố Hồ Chí Minh đã đạt 294 phòng học/10.000 dân. Tuy nhiên tỷ lệ này không đồng đều giữa các quận, huyện và ở các cấp học. Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành và UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức để tháo gỡ các khó khăn, quyết tâm hoàn thành đề án theo đúng tiến độ đã đề ra.
Áp lực thiếu trường lớp hiện là thách thức thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt, trong bối cảnh mỗi năm thành phố tăng trung bình từ 20.000-40.000 học sinh. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng vấn đề đất đai của thành phố rất khó khăn.
Một trong những "điểm nghẽn" được đề cập là Thông tư 13 của Bộ GD&ĐT về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học, với quy định trường tiểu học không quá 2 tầng, trường trung học không quá 3 tầng. Điều này khiến thành phố Hồ Chí Mnh không thể "xoay xở" được đất xây trường.
Vì lẽ đó, người đứng đầu ngành giáo dục thành phố cho biết Sở GD&ĐT đã tham mưu với UBND thành phố Hồ Chí Minh nhằm kiến nghị Bộ GD-ĐT điều chỉnh Thông tư 13, cho phép TP.HCM được tính trên diện tích sàn xây dựng trên mỗi học sinh và trường có thể có nhiều tầng và nâng tầng.
Thúc đẩy tiến độ các dự án
Trong kế hoạch về xây dựng trường lớp, Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành xây mới 4.500 phòng học đến năm 2025, tăng 3.537 phòng học so với hiện tại. Riêng năm học 2023-2024, thành phố đưa vào sử dụng 48 trường học, với tổng số phòng học xây mới là 512, tăng 367 phòng so với trước đó. Các trường học mới được đưa vào sử dụng tập trung ở các quận 5, 10, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn và thành phố Thủ Đức.
Một trong những địa phương đang đối mặt tình trạng thiếu trường lớp nhất ở thành phố Hồ Chí Minh là quận Tân Bình. Báo cáo của UBND quận Tân Bình cho thấy địa phương này đang thiếu 4 trường mầm non, 11 trường tiểu học và 10 trường THCS.
Trong khi đó, các năm qua, việc tăng dân số cơ học trên địa bàn khá cao khiến tình trạng thiếu trường lớp càng trở nên trầm trọng. Chỉ riêng khối lớp 6, trong năm học 2023 - 2024, quận tăng thêm khoảng 1.000 học sinh. Tình trạng thiếu trường lớp ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ông Phan Văn Quang, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tân Bình cho hay, nhằm bảo đảm chỗ học cho học sinh và 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày như mục tiêu đề ra trong năm học 2023-2024 và những năm sắp tới, UBND quận đã chỉ đạo ngành giáo dục tăng sĩ số học sinh/lớp so với điều lệ trường học - tiểu học 35-44, THCS 45-48.
Song song đó, quận Tân Bình thực hiện tuyển sinh phân tuyến theo liên phường. Đối với cấp tiểu học, ưu tiên lớp 1, 2, 3, 4 học 2 buổi/ngày. Nếu thiếu phòng học thì lớp 5 thực hiện 1 buổi/ngày, lớp 6 học 1 buổi/ngày.
Thời gian tới, quận Tân Bình sẽ triển khai xây dựng một số trường, trong đó có cụm trường học tại phường 6, gồm: Trường Mầm non Sơn Ca (20 phòng học), Trường Tiểu học Hùng Vương (30 phòng học) và Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (45 phòng học).
Theo chỉ đạo của UBND thành phố Hồ Chí Minh, toàn bộ các dự án đầu tư xây dựng trường học giai đoạn 2021 - 2025 sẽ phải hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2023. Các cơ quan chuyên môn sẽ hoàn tất việc lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và trình duyệt chủ trương đầu tư dự án theo quy định.
Bước sang năm 2024, các công tác lập bản vẽ thiết kế, kỹ thuật thi công và tổng dự toán, thẩm tra bản vẽ thiết kế, kỹ thuật thi công và tổng dự toán sẽ đồng loạt được triển khai.
Tiếp theo, các cấp thẩm quyền phê duyệt triển khai sau thiết kế cơ sở để mời thầu các gói thầu tư vấn. Việc lựa chọn tư vấn lập hồ sơ mời thầu, mời thầu và báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp, giám sát, thiết bị sẽ thực hiện trong năm 2024. Đồng thời, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án sẽ được địa phương tiến hành.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: “Việc triển khai khởi công xây lắp, tư vấn giám sát kỹ thuật thi công, lắp đặt thiết bị và công tác kiểm định liên quan của các dự án đầu tư xây dựng trường học sẽ đồng loạt được tiến hành từ giữa năm 2024 và hoàn thành vào năm 2026”.
Phần lớn các dự án đầu tư xây dựng trường học được phân cấp cho các ban quản lý dự án khu vực làm chủ đầu tư. Riêng 3 dự án trường THPT gồm Trưng Vương, Hùng Vương và Trung Phú Củ Chi giao cho Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư.