Theo đó, căn hộ chung cư phải thiết kế, xây dựng theo dạng khép kín, có diện tích sàn theo tiêu chuẩn và quy chuẩn xây dựng. Cụ thể, diện tích tối thiểu căn hộ chung cư thuộc dạng nhà ở xã hội phải đạt 30m², đối với nhà ở thương mại đạt 45m².
UBND TP.HCM cũng nhận định, với tình hình đô thị hóa và tốc độ tăng dân số cơ học cao như hiện nay, việc xây dựng nhà ở thương mại có diện tích nhỏ (dưới 45m²) sẽ làm quá trình đó diễn ra nhanh hơn.
Qua đó, việc xây dựng căn hộ như vậy sẽ làm tăng quy mô dân số và tăng áp lực lên hạ tầng kỹ thuật – xã hội vốn đã quá tải. Đồng thời, những căn hộ như thế sẽ phá vỡ quy hoạch, gia tăng nguy cơ xuất hiện các khu nhà ổ chuột trên cao trong lòng đô thị.
Trước thông tin này, nhiều ý kiến tranh luận trái chiều đã nổ ra. Ông Nguyễn Văn Bé, một người từ tỉnh Cà Mau lên TP.HCM sinh sống gần 20 năm, đang ở nhà thuê, chia sẻ: “Lẽ ra, họ nên cho xây dựng các nhà có diện tích nhỏ. Ví như, gia đình tôi chỉ có 2 vợ chồng, con cái ở nơi khác thì mua nhà chừng vài ba trăm triệu sẽ phù hợp".
Ông Bùi Tiến Thắng, Phó Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiêm thành viên HĐQT – Phó Tổng giám đốc công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) cho rằng: “Nếu cho xây dựng căn hộ diện tích 25m² sẽ rất tốt. Vấn đề là phải quản lý các hoạt động sinh hoạt, tiện ích dịch vụ... làm sao đừng để nó quá nén dân hoặc tạo ra các hệ lụy phức tạp, tạo ra gánh nặng về hạ tầng.
Xung quanh những vấn đề này, chúng ta đã có quy chuẩn về quy hoạch như: Diện tích xây dựng bao nhiêu, cho phép dân số bao nhiêu... Bây giờ, cứ theo quy định đó mà kiểm soát thì sẽ ổn, không có vấn đề gì”.
Nói thêm về loại căn hộ nhỏ này, ông Thắng chia sẻ: “Nhu cầu của thị trường, người dân đang cần chỗ ở. Khi không có chỗ ở, họ sẽ tìm bằng cách này hay cách kia, cuối cùng thì vẫn cần phải có một chỗ để ở. Phổ biến nhất, họ phải thuê nhà trọ để sinh sống, trong khi nhà trọ đó được bao nhiêu m²: 5, 7, 10m²... thì cũng ra được một cái phòng.
Do đó, diện tích phòng không phải phản ánh tất cả vấn đề của đời sống xã hội, mà nó chỉ là một cơ hội để làm đa dạng loại hình cư trú, cũng như nhu cầu cho người dân thôi. Nếu tiếp cận ở góc độ này, nó sẽ nhẹ nhàng”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, quy hoạch đô thị của TP bị phá vỡ và giải quyết gánh nặng này trong tương lai sẽ rất khó khăn.
TS. Nguyễn Văn Hồng, Giảng viên trường đại học Kiến Trúc TP.HCM phân tích: “Câu chuyện này nói thế nào cũng có lý nhưng xét toàn cục, việc cho phép xây dựng căn hộ có diện tích nhỏ nên quy hoạch ở một vài quận huyện nào đó. Ví như, quận 12, Thủ Đức hay Bình Tân… lúc đó sẽ tập trung và dễ quản lý hơn.
Còn khu vực trung tâm, tôi nghĩ không nên xây căn hộ có diện tích quá nhỏ. Như vậy sẽ phá vỡ quy hoạch hiện hữu và gây ra gánh nặng về hạ tầng đô thị, kỹ thuật, xã hội… cho 10, 20, thậm chí 50 năm sau”.