ThS Nguyễn Thanh Hùng, phó trưởng phòng quản lý môi trường, viện môi trường và tài nguyên cho biết, đối với tuyến sông Sài Gòn, ngay cả đoạn lấy nước phục vụ cấp nước sinh hoạt cũng không đạt chuẩn. Nồng độ các chất kim loại nặng, dầu, nitơ tổng... thường xuyên không đạt yêu cầu.
PGS.TS Phùng Chí Sỹ, viện phó viện yỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường cho biết thêm, sông Đồng Nai cũng đang bị suy thoái nghiêm trọng toàn diện về chất lượng nước mặt, nước ngầm, tài nguyên khoáng sản và cả sự đa dạng sinh học.
Ước tính mỗi ngày lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thải ra khoảng gần 3 triệu m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp.
Nguyên nhân là do một số khu công nghiệp vẫn còn tình trạng các cơ sở chưa tách riêng hệ thoát nước mưa và nước thải. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý nước thải của các khu công nghiệp cũng chưa được giám sát thường xuyên và chặt chẽ. Dẫn đến thực trạng một lượng lớn nước thải công nghiệp chưa được kiểm soát chặt trước khi thải ra môi trường khiến chất lượng nước kênh rạch ngày một ô nhiễm.
Điều đáng nói là cùng với tốc độ đô thị hóa như hiện nay nhưng chưa kiểm soát chất lượng nguồn nước thải thì lượng chất thải trên sẽ còn gia tăng gấp 2 – 3 lần và cảnh thiếu nước sinh hoạt cho cả lưu vực hệ thống sông Đồng Nai sẽ có thể diễn ra vào năm 2020.
Trên thực tế, nhiều nơi đang lâm vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô hoặc mùa nước, có đủ nước nhưng chất lượng không đảm bảo các yêu cầu sử dụng. Đặc biệt là cho cấp nước sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp.
Theo Bưu điện Việt Nam