Thông tin trên Dân trí, theo UBND Tp.HCM, thời gian qua tình hình tội phạm xâm hại trẻ em có nhiều điểm đáng báo động như giảm số vụ nhưng tăng tính chất nghiêm trọng, đối tượng xâm hại trẻ em mở rộng hơn trước, độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ…
Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế TPHCM, chiều 1/6, phóng viên Dân trí đã đặt câu hỏi cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) về các nội dung xoay quanh vấn đề này. Trong đó, khi người dân phát hiện trường hợp trẻ bị xâm hại thì phản ánh qua đâu; cơ quan nào sẽ tiếp nhận và xử lý thông tin; đồng thời, cơ quan chức năng có cách thức nào để nâng cao nhận cho trẻ để tự bảo vệ bản thân.
Trả lời câu hỏi trên, đại diện Sở LĐ-TB&XH cho biết, theo quy trình, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo ngay cho nơi tiếp nhận thông tin khi phát hiện trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục.
Nơi tiếp nhận thông tin là UBND phường, xã, thị trấn nơi xảy ra vụ việc; số điện thoại nóng 113 (Công an TPHCM); Tổng đài 1900545559 của Trung tâm công tác xã hội trẻ em TPHCM; Tổng đài 18009069 của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM; Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111.
Theo Tuổi trẻ Online, để đảm bảo an toàn, kịp thời điều trị cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại, sở đã phối hợp ra mắt mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực tại Bệnh viện Hùng Vương (quận 5).
Mô hình này sẽ thực hiện chức năng tiếp nhận, khám sàng lọc, điều trị, tư vấn và cung cấp dịch vụ tại chỗ cho bệnh nhân là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục.
Nếu cần nơi tạm lánh khẩn cấp, nhân viên công tác xã hội bệnh viện sẽ chuyển gửi nạn nhân tới Trung tâm công tác xã hội - giáo dục dạy nghề thiếu niên TP để chăm sóc và nuôi dưỡng.
Sở lao động - thương binh và xã hội các địa phương đã thành lập tổ tiếp nhận thông tin các vụ việc liên quan đến trẻ em, với nhiệm vụ tiếp nhận thông tin của các đơn vị chuyển đến và hàng ngày rà soát thông tin qua báo chí, trang mạng xã hội để kết nối với các địa phương giải quyết các vụ việc.
Đối với các trường hợp đặc biệt, cán bộ phòng lao động - thương binh và xã hội, Trung tâm công tác xã hội trẻ em TP cùng phòng bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới sẽ phối hợp đến địa bàn để trực tiếp hướng dẫn UBND phường, xã, thị trấn thực hiện công tác can thiệp, trợ giúp, lập hồ sơ theo dõi, quản lý.
Những ngành nghề nào cắt giảm lao động nhiều nhất?
Qua khảo sát tại 3.441 doanh nghiệp, qua kết quả tổng hợp doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt - may, da - giày, xây dựng - kinh doanh bất động sản chiếm tỉ lệ cắt giảm lao động trong 5 tháng đầu năm 2023 nhiều hơn so với các lĩnh vực khác.
Tuy vậy, ở các lĩnh vực khác như sản xuất lương thực, thực phẩm, đồ uống; sản xuất sản phẩm điện tử máy tính; bán buôn và bán lẻ; du lịch; tài chính - ngân hàng… tăng về nhu cầu tuyển dụng, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động trong các lĩnh vực này.
Trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động TP và các đơn vị theo dõi sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, kịp thời phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan đến quan hệ lao động.
Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách đối với người lao động. Đặc biệt là giám sát tình hình giải quyết chế độ chính sách cho người lao động tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam.
Hồng Anh (T/h)