Tại một quán cơm tấm ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM), quán cà phê ở Thủ Đức hay trung tâm mua sắm ở quận 2… hình ảnh “cô Ba” xuất hiện, khiến nhiều người tò mò, thích thú.
“Quả là thú vị, không ngờ ở Việt Nam lại có robot phục vụ, những tưởng chỉ có ở nước ngoài. Tuy nhiên, phiên bản này vẫn còn một số hạn chế, hy vọng họ sẽ cải tiến để nó hoạt động tốt hơn”, anh Nguyễn Huy Hùng, một thực khách tại quán cà phê ở quận Thủ Đức cho biết.
Theo quan sát của PV, robot này biết giới thiệu thực đơn, chạy bàn (di chuyển từ nơi này sang nơi khác) và nhận biết được các vật cản. Tất cả được điều khiển từ xa hoặc tự động. Tuy nhiên, đồ ăn, thức uống thì phải do nhân viên thật phục vụ.
Bên cạnh đó, robot này khá thông minh, với cài đặt giọng nói chào khách, chúc khách ngon miệng, cảm ơn người dễ thương… Khi gặp tình huống quấy rối, robot cũng phản ứng: “Hư, má em la”.
Theo một số chuyên gia về công nghệ, việc đưa robot này vào phục vụ là minh chứng rõ nét cho thấy cuộc cánh mạng 4.0 đang “tấn công” rõ rệt vào đời sống – xã hội, nhất là phục vụ sự phát triển.
Một số ý kiến cho rằng, việc các nhà hàng thuê robot chính là chiêu PR để thu hút khách. Sự mới lạ bao giờ cũng thu hút, đến lúc nào đó nó sẽ… bình thường.
Được biết, robot “cô Ba” là dự án do nhóm TS Nguyễn Bá Hải, Trưởng khoa Sáng tạo và Khởi nghiệp, trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và cộng sự (khoảng 10 người) chế tạo, ra mắt cách đây chưa lâu.
Để chế tạo ra robot này, nhóm mất khoảng thời gian 4 năm với công sức và chi phí hết khoảng 2 tỷ đồng.