Chiều 3/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế Tp.HCM tiếp tục họp báo định kỳ.
Tại đây, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Tư tưởng - Chính trị, Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết, lãnh đạo Sở GD&ĐT Tp.HCM đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tiếp tục cố gắng nỗ lực để triển khai tổ chức dạy học trực tiếp, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong điều kiện tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Theo đó, các trường học duy trì 2 hình thức dạy học trực tiếp và tổ chức kênh dạy học trực tuyến để đảm bảo việc học tập của các em học sinh, đảm bảo chất lượng trong điều kiện tốt nhất. Đồng thời, khi các em học sinh học đi học trực tiếp trở lại sẽ tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho các em, đảm bảo chất lượng đồng đều.
Về công tác phòng chống dịch Covid-19, UBND Tp.HCM cũng đã ra văn bản điều chỉnh quy trình… quán triệt các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm, thống nhất các biện pháp, không đặt ra các quy định bổ sung.
Sở GD&ĐT Tp.HCM cũng có yêu cầu các phòng giáo dục tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch tiến hành kiểm tra, hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục thực hiện tốt nhất các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình dịch bệnh phức tạp để đảm bảo việc tổ chức đi học trực tiếp cho các em học sinh được an toàn ở mức tối đa có thể.
Về biện pháp xử lý các F0, F1, ngành giáo dục hướng dẫn các trường thực hiện theo văn bản 625 của UBND Tp.HCM. Quy định này áp dụng đồng loạt và thống nhất đối với các cơ sở giáo dục ở các địa phương trên toàn thành phố.
Khi có một học sinh là F0 trong lớp thì y tế địa phương, cơ sở giáo dục phối hợp để xác định F1 và chỉ xét nghiệm cho các đối tượng F1 có biểu hiện, triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19.
Với F1 đã tiêm vắc-xin sẽ cách ly y tế tại nhà 5 ngày, nếu chưa tiêm vắc-xin sẽ cách ly tại nhà 7 ngày. Sau đó, nếu xét nghiệm âm tính sẽ được quay lại trường.
“Việc xét nghiệm, phụ huynh có thể tự xét nghiệm tại nhà và thông báo bằng hình ảnh cho giáo viên chủ nhiệm. Trường hợp phụ huynh không có điều kiện tự test cho học sinh thì có thể đến trạm y tế địa phương làm xét nghiệm cho học sinh”, ông Trọng nói.
Văn bản của UBND Tp.HCM lưu ý, các cơ sở giáo dục phải lập danh sách các học sinh thuộc nhóm nguy cơ như béo phì, mắc các bệnh mãn tính, bệnh lý bẩm sinh để theo dõi sức khỏe trong vòng 10 ngày.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM (HCDC) cho biết, ngành y tế đã chuẩn bị kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ 5-12 tuổi, cơ bản đã chuẩn bị hoàn tất.
“Tất cả trẻ 5 đến dưới 12 tuổi đều được tiêm, dự kiến có khoảng 970.000 trẻ ở nhóm tuổi này. Trong đó, nhóm trẻ đi học sẽ do ngành giáo dục lập danh sách. Đối với trẻ không đi học sẽ do điểm tiêm cố định hoặc lưu động UBND địa phương bố trí, Sở LĐ-TB&XH cung cấp danh sách. Còn các trẻ đang điều trị tại cơ sở y tế thì do các cơ sở y tế lập danh sách”, ông Tâm cho hay.
Lãnh đạo HCDC cũng thông tin thêm, công tác tiêm chủng sẽ thực hiện trên nguyên tắc từ lứa tuổi từ cao đến thấp. Dự kiến, mũi 1 sẽ tiêm trong 10 ngày, khi đủ thời gian tiêm mũi 2 thì cũng hoàn tất trong 10 ngày.
“Chiều nay (3/3), HCDC phối hợp các bệnh viện tổ chức tập huấn tiêm chủng tiêm cho trẻ em. Vì tiêm cho trẻ em phải kỹ lưỡng hơn so với người lớn. Trẻ em có một số vấn đề riêng của lứa tuổi này”, ông Tâm thông tin.