Thành ủy TP.HCM đã khai mạc Hội nghị lần thứ 7 ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X do ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang cho biết, trong nhiệm kỳ 2010-2015, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX, thành phố đã tập trung thực hiện 6 chương trình đột phá đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các chương trình, nhiệm vụ nêu trên còn có những hạn chế, yếu kém cần được khắc phục.
Ông Tất Thành Cang cho rằng, nguyên do của những yếu kém đó là nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu, cải cách hành chính đạt hiệu quả chưa cao, hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước của bộ máy chính quyền còn hạn chế. Các chính sách, giải pháp hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa tạo được sự đột phá. Tình trạng ùn tắc giao thông đô thị chưa được khắc phục tốt; việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển…
“Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị các đồng chí đề cao ý thức trách nhiệm, thảo luận dân chủ, tập trung phân tích sâu những việc làm được, những hạn chế, yếu kém để từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện có hiệu quả 7 chương trình đột phá nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập. Đồng thời giải quyết có hiệu quả các vấn đề dân sinh xã hội bức xúc góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X đề ra”, ông Cang nói.
Đối với Dự thảo Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, chỉ tiêu cụ thể của thành phố đặt ra là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm tăng từ 8% đến 8,5%. Trong đó khu vực dịch vụ phải tăng bình quân hàng năm từ 9% đến 9,6%, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng bình quân từ 7,6% đến 7,8%.
TP.HCM đang xây dựng thành phố thông minh, năng động, hiện đại với khả năng kết nối sâu sắc vào chuỗi giá trị khu vực và quốc tế, cạnh tranh với các thành phố lớn của châu Á và là điểm nhấn về thu hút đầu tư và khởi nghiệp; phát huy vai trò nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Trong năm 2016 và các năm tiếp theo, thành phố phấn đấu thời gian tiếp nhận, giải quyết khai bổ sung hồ sơ, tiếp nhận kiểm tra hủy tờ khai trên hệ thống giảm 50% thời gian so với quy định; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến đăng ký quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất từ 57 ngày xuống còn 14 ngày. Về thời gian giải quyết đăng ký đầu tư giảm 30% so với quy định; thời gian giải quyết thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục thông báo mẫu dấu và thủ tục đăng ký cập nhật thông tin tài khoản ngân hàng giảm 50% so quy định”, ông Phong nhấn mạnh.
Về dự thảo Chương trình cải cách hành chính, người đứng đầu chính quyền thành phố cũng nói rằng, một trong những mục tiêu quan trọng của thành phố là sẽ xây dựng chính quyền điện tử phù hợp với đô thị đặc biệt, có mô hình hiệu quả cho từng cấp phường xã thị trấn, quận huyện, sở ban ngành, đảm bảo công khai minh bạch, nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí cho người dân, doanh nghiệp.
Đối với dự thảo chương trình giảm ngập nước, thành phố đề ra mục tiêu giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm thành phố và một phần của 5 lưu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam, một phần Đông Bắc, Đông Nam) rộng 550 km² với khoảng 6,5 triệu dân đồng thời cải thiện môi trường nước, cải thiện đời sống dân sinh.
Về chỉ tiêu cụ thể, thành phố đặt ra giai đoạn 2016-2018 sẽ nâng cấp, xóa ngập 8/17 tuyến đường; nâng cấp hệ thống thoát nước, xóa ngập do mưa 60/179 tuyến hẻm. Hoàn thành các hạng mục kiểm soát triều của Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM để phục vụ kiểm soát triều cho lưu vực 550 km² (xóa ngập do triều 9 tuyến đường, gồm 2 tuyến đường bị ngập nặng là đường Lương Định Của, Huỳnh Tấn Phát và 7 tuyến đường bị ngập nhẹ là Nguyễn Văn Hưởng, Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 50, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, Tỉnh lộ 10, đường 26).
Đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành 3 nhà máy xử lý nước thải: Tham Lương - Bến Cát công suất 131.000 m³/ngày, Nhiêu Lộc - Thị Nghè 480.000m³/ngày. Bình Hưng (giai đoạn 2) nâng công suất nhà máy từ 141.000 m³/ngày lên 469.000 m³/ngày…
Đức Mỹ