Ngày 30/3, ban Kinh tế Trung ương phối hợp với UBND TP.HCM cùng các Sở ngành tổ chức hội thảo “TP.HCM – tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế”.
Đối với mô hình vùng kinh tế đô thị, hội thảo đã xác định tính cấp thiết và tầm quan trọng của liên kết vùng. Quá trình phát triển kinh tế TP.HCM phải gắn chặt với kinh tế của từng địa phương khác trong vùng phía Nam.
Mô hình liên kết thể hiện qua đa phương thức, kết nối hạ tầng, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ và có sự phân chia trách nhiệm giữa các địa phương trong vùng.
Tuỳ theo đặc điểm, quy mô và mức độ phát triển để phân công. Cũng như tránh đi sự cạnh tranh không có sắp xếp, dễ dẫn đến thiệt hại.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBDN TP.HCM nhận định, về tầm nhìn dài hạn, TP.HCM cần dựa trên nền tảng kinh tế biển và đô thị biển để phát triển. Hai phương diện này tác động lẫn nhau, cùng nhau phát triển đối với địa phương có tính đặc thù như TP.HCM.
“Chúng ta có một chuỗi hệ thống kinh tế biển nhưng còn rời rạc. TP.HCM không chỉ có huyện Cần Giờ, còn có quận 4, quận 7, quận 2 hay quận Bình Thạnh, huyện Củ Chi đều có thể phát triển kinh tế sông nước”, ông Hoan nói.
Vì thế, ông Hoan cho rằng, trước mắt có thể thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế biển cho khu vực Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)- Cần Giờ (TP.HCM) - Gò Công (tỉnh Tiền Giang).
Trong vùng tam giác này, TP.HCM là hạt nhân phát triển, là động lực phát triển cho cả vùng bên cạnh phân công rõ ràng chức năng, nhiệm vụ cho các tỉnh thành khác.
Khi thảo luận định hướng phát triển kinh tế biển và đô thị biển, các chuyên gia đều quan tâm kiểm soát, bảo vệ môi trường.
Cho nên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định: “Quan điểm của Đảng ta nhất quán rằng, kinh tế cần phải giải quyết được những vấn đề xã hội nhưng phải bảo vệ môi trường.
Nếu chúng ta chỉ biết phát triển mà không quan tâm bảo vệ môi trường thì đó không phải là phát triển bền vững, không phải là định hướng phát triển của Đảng ta”.
Mọi sự phát triển của TP.HCM đều cần ý thức bảo vệ môi trường, từ doanh nghiệp đến chính quyền địa phương. Khi thực hiện các dự án đầu tư, chắc chắn phải được thẩm định, đánh giá tác động môi trường đúng quy định pháp luật.
Và tất cả hoạt động vận hành phát triển kinh tế biển, đô thị biển cũng không nằm ngoài chủ trương này.
“Việc gì có lợi nhưng đảm bảo môi trường thì chúng ta cho làm. Còn việc gì bất lợi đến môi trường, dù có lợi kinh tế đều phải cân nhắc, thậm chí không chấp nhận”, ông Hoan nhấn mạnh.
Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết, chính quyền Thành phố này đang có chiến lược phát triển các huyện trở thành quận trong tương lai. Nhưng riêng Cần Giờ sẽ trở thành thành phố vì địa phương này chỉ có 2 đầu phát triển, hoặc hướng Nam hoặc hướng Bắc nên khá hạn chế về cách thức phát triển.
So với các huyện khác, chiến lược cho Cần Giờ trở thành đô thị du lịch sinh thái được đánh giá là thuận lợi hơn. Bởi lẽ, việc nâng cấp từ huyện lên quận đòi hỏi cơ sơ hạ tầng, chỉ tiêu sản xuất công nghiệp,…
Tầm nhìn cho Cần Giờ là đô thị hiện đại, không còn sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn đảm bảo vai trò dự trữ sinh quyển của nơi đây.
Trong khi đó, TS.Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, Đảng ta luôn có sự quan tâm đặc biệt về phát triển kinh tế biển và đô thị biển.
Nghị quyết 36-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa 12 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước. kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 đến 70% GDP cả nước.
Đến năm 2045, Việt Nam "trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước".
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định phát triển bền vững kinh tế biển phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, kiểm soát khai thác tài nguyên biển, phục hồi hệ sinh thái biển, gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo…
Đối với phát triển đô thị, trong đó có đô thị ven biển, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định, cần phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương, tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với hình thành phát triển đô thị và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh…
“Chủ trương xuyên suốt của Đảng ta xác định là phát triển nhanh và bền vững, phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Hiển cho hay.