Chiều tối 4/10, UBND Tp.HCM tổ chức họp báo về tình hình phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Tại đây, đại diện Sở Công Thương Tp.HCM trình bày về việc tạm dừng hoạt động đối với siêu thị Emart vào ngày 3/10.
Ngay sau khi nhận được thông báo này, Emart đã nỗ lực thực hiện đúng quy định của các cơ quan quản lý nhà nước về việc phòng chống dịch, nên kiểm tra rất kỹ lưỡng điều kiện của của khách hàng trước khi vào mua sắm như thẻ xanh/ thẻ vàng/ giấy chứng nhận tiêm/giấy chứng nhận F0.
Emart mở cửa phục vụ người dân mua sắm đã thực hiện: Khách hàng làm thủ tục khai báo y tế, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trong thời gian ngồi chờ tại khu vực đã được bố trí trong sân. Ngoài ra, để thuận tiện cho khách hàng, Emart trang bị máy đo nhiệt độ tự động đọc thông tin về nhiệt độ của khách hàng, tích hợp chế độ phun xịt dung dịch sát khuẩn tự động để đảm bảo khách hàng được an toàn truớc khi vào bên trong mua sắm.
Bên trong siêu thị, hệ thống loa cách 10 phút đọc loa một lần để nhắc nhở khách hàng giữ khoảng cách an toàn trong suốt thời gian mua sắm. Emart cũng nỗ lực sử dụng hết năng suất của nhân viên để có thể nhanh chóng giải phóng khách hàng bên trong, hạn chế tập trung đông đúc, mở hết tất cả các quầy thu ngân phục vụ vào thời điểm có đông khách hàng cần thanh toán.
Kẻ vạch khoảng cách an toàn trong toàn bộ diện tích siêu thị, đảm bảo khoảng cách 2m giữa các khách hàng. Phân luồng vào và luồng ra, vạch điều hướng đi bên trong siêu thị. Tại các vị trí thường xuyên có khách hàng tập trung như khu thực phẩm chế biến sẵn, được trang bị ghế ngồi chờ tới lượt mua món ăn; dùng cột chắn dây chắn mềm để giảm tải, điều tiết lượng khách hàng để đảm bảo khoảng cách an toàn.
Cùng với hệ thống loa bên trong siêu thị, Emart bố trí thêm nhiều nhân sự vào “Đội phòng chống dịch” để có mặt tại khắp các khu vực bên trong lẫn bên ngoài, tăng cường nhắc nhở, trực tiếp điều phối khách hàng giãn cách an toàn trong thời gian có mặt tại Emart.
Siêu thị cũng kiểm soát chặt chẽ số lượng khách hàng vào bên trong siêu thị bằng thẻ đánh số thứ tự, đảm bảo tối thiểu 4m2/khách hàng. Mặc dù với diện tích an toàn này, thì Emart có thể phục vụ hơn 900 khách hàng cùng một thời điểm, nhưng Emart muốn đảm bảo môi trường thông thoáng và mọi hoạt động được kiểm soát chặt chẽ nhằm chắc chắn hơn sự an toàn cho khách hàng, Emart điều phối tối đa số lượng 400 khách hàng tại cùng một thời điểm phục vụ.
Siêu thị đã bố trí vị trí và không gian rộng rãi, thoáng phù hợp, có mái che, khoảng cách an toàn dành cho những khách hàng bên ngoài chờ tới lượt vào mua sắm.
Trong thời gian diễn biến của đại dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, Emart luôn chủ động đặt sự an toàn của khách hàng lên trên hết trong mọi hoạt động của mình. Ngoài ra, còn tận tâm phục vụ khách hàng bằng những sản phẩm chất lượng tốt, và đồng hành với khách hàng bằng chính sách "Giá rẻ quốc dân" để hỗ trợ khách hàng sớm ổn định cuộc sống.
Emart đang nỗ lực hoạt động trên tiêu chí vừa phục vụ nhu yếu phẩm và sản phẩm tiêu dùng cho người dân đủ số lượng và giá tốt nhất, vừa đảm bảo việc phòng chống dịch có hiệu quả để khách hàng yên tâm mua sắm. Với chính sách giá mới, mong muốn mang đến sản phẩm tiêu dùng cho gia đình với giá cực rẻ để hỗ trợ khách hàng ổn định cuộc sống, sau một thời gian dài khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Chia sẻ về việc phối hợp với các quận huyện, giám sát các siêu thị, chợ truyền thống, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM cho hay, các doanh nghiệp bao gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp sản xuất... khi muốn hoạt động trở lại phải dựa trên Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch theo Quyết định 3328 của UBND Tp.HCM để thực hiện và có thông tin đến chính quyền địa phương để theo dõi.
Khi hoạt động trở lại, các đơn vị này phải đảm bảo đủ các tiêu chí để làm cơ sở cho lực lượng chức năng kiểm tra. Trong trường hợp, vi phạm một trong các tiêu chí của Bộ tiêu chí thì bắt buộc dừng hoạt động theo yêu cầu "phòng chống dịch là trên hết".
Công tác phối hợp kiểm tra của Sở Công Thương Tp.HCM và các địa phương diễn ra thường xuyên, đột xuất và không có kế hoạch cụ thể.
Ông Tú cũng cho rằng, Bộ tiêu chí về an toàn phòng chống dịch Covid-19 ban hành từ ngày 15/9/2021, đến nay, Bộ Y tế và các Bộ ngành đã có những hướng dẫn mới. Do đó, có một số nội dung không còn phù hợp. Trong ngày 4/10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp để xem xét, điều chỉnh Bộ tiêu chí giúp các doanh nghiệp thuận lợi hoạt động, sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn phải an toàn.
Tp.HCM cũng chưa có chủ trương để các chợ tự phát hoạt động trở lại, thậm chí cả chợ truyền thống và chợ đầu mối. Trường hợp chợ đầu mối và chợ truyền thống muốn hoạt động trở lại phải đáp ứng Bộ tiêu chí theo Quyết định 3328. Ngoài ra, cần phải tổ chức chặt chẽ trong quá trình buôn bán để đảm bảo an toàn.
“Việc kinh doanh tại gia đình nếu thuộc các ngành, lĩnh vực Chỉ thị 18 cho phép và kinh doanh có giấy phép đầy đủ thì mới được phép hoạt động”, ông Tú nói.
Theo đại diện Sở Công Thương Tp.HCM, toàn bộ 106 siêu thị cùng hơn 3.100 cửa hàng tiện lợi đã mở cửa cung ứng hàng cho người dân. Ngoài ra, nhiều chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, kênh bán online vẫn tham gia bán hàng thiết yếu, giảm tải phần nào cho kênh truyền thống.