TP.HCM: Sở Công Thương tìm giải pháp tăng cường cung ứng thực phẩm chế biến

TP.HCM: Sở Công Thương tìm giải pháp tăng cường cung ứng thực phẩm chế biến

Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

Thứ 5, 09/09/2021 22:34

Trong lúc thực phẩm tươi sống được đáp ứng đầy đủ, người dân TP.HCM chuyển nhu cầu tiêu thụ sang thức ăn chế biến sẵn.

Chiều tối 9/9, UBND TP.HCM tổ chức họp báo về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Tại đây, nhóm câu hỏi đối với ngành công thương có nội dung về việc các loại thực phẩm chế biến sẵn như mì gói, miến khô không đủ cung ứng trước sức mua tăng cao của người tiêu dùng TP.HCM.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc sở Công Thương TP.HCM cho biết: “Thời gian qua các hệ thống phân phối tập trung chủ yếu cung ứng hàng hóa và thực phẩm tươi sống. Hiện nay nguồn cung này ổn định thì người dân quay trở lại sử dụng thực phẩm chế biến. Tuy nhiên, các nhà cung cấp, các nhà sản xuất và cả kho trung chuyển gặp khó khăn”.

Tiêu dùng & Dư luận - TP.HCM: Sở Công Thương tìm giải pháp tăng cường cung ứng thực phẩm chế biến

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc sở Công Thương TP.HCM.

Đối với nhà sản xuất nhỏ, doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện “3 tại chỗ” kéo dài nên năng suất giảm. Bên cạnh đó, kho của đơn vị cung ứng không được cấp giấy đi đường, hoặc số lượng rất hạn chế nên việc vận chuyển cũng khó khăn.

Qua làm việc với các đơn vị cung ứng, sở Công Thương TP.HCM nhận thấy các sản phẩm mì gói, miến khô,…có lượng cung ứng còn lớn. Sở sẽ rà soát lại hệ thống phân phối hỗ trợ giấy đi đường cho nhà cung ứng để đảm bảo nhu cầu.

"Hiện nay, dây chuyền sản xuất đồ hộp, xúc xích tại công ty Vissan đã hoạt động trở lại và duy trì sản xuất 50% công suất. Thời gian tới sẽ cố gắng đẩy lên 100% năng suất để đảm bảo nguồn cung ứng", ông Phương nói.

Ngoài ra, sở Công thương cũng làm việc với hội Lương thực thực phẩm TP.HCM nhằm tính toán kế hoạch dài hơi trong việc tổ chức hoạt động sản xuất, giúp nguồn hàng ổn định lâu dài.

Tiêu dùng & Dư luận - TP.HCM: Sở Công Thương tìm giải pháp tăng cường cung ứng thực phẩm chế biến (Hình 2).

Các siêu thị tại TP.HCM đang ghi nhận tình trạng thiếu hụt thực phẩm chế biến như mì gói, bún khô, các loại bột,...

Ghi nhận của Người Đưa Tin cho biết, các hệ thống siêu thị tại TP.HCM cho hay, trong 1 tháng qua, các loại đậu, bột, mì, hủ tiếu, phở khô, bún khô đều đang có nguy cơ đứt hàng. Đặc biệt là các mặt hàng bột rất khan hiếm, một số nhà cung cấp không đủ lượng hàng cung ứng cho siêu thị.

Đại diện hệ thống siêu thị Aeon Việt Nam thông tin, so với hàng tươi sống, sản phẩm khô như các loại bột có tình trạng khan hiếm hơn. Các loại mì gói, hủ tiếu khô, bún, phở khô nếu thiếu cũng chỉ thiếu trong 1-2 ngày lại về hàng.

Thực tế hiện nay, việc thiếu nhân lực sản xuất, thiếu nguyên liệu do khâu vận chuyển gặp khó và một số đối tác cung cấp nguyên phụ liệu ngưng hoạt động dẫn tới nhà cung cấp không đủ hàng cung ứng.

Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Ngọc Liên Chi, đại diện công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Ngọc Chương cũng cho biết, hiện nay, số lượng hàng hóa của công ty là không thiếu nhưng bị tắc khâu vận chuyển.

"Trước đây, công ty thường cung cấp bột mì cho các cơ sở nội, ngoại thành TP.HCM và các tỉnh lân cận như Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai... Nhưng vì tình hình dịch bệnh phức tạp, vận chuyển rất khó khăn, công ty phải dừng hoạt động nửa tháng nay", bà Chi nói.

Cũng theo bà Chi, các nguyên liệu sản xuất về TP.HCM giảm rất mạnh, đặc biệt trong thời gian siết chặt giãn cách xã hội, chưa kể giá tăng cao. Ngoài ra, việc đi lại khó khăn, chi phí “3 tại chỗ”, nguy cơ lây lan nên nhiều nhà cung cấp cũng dừng hoạt động khiến nguồn cung giảm sút.

Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ mà ngay cả với doanh nghiệp có quy mô lớn cũng không ngoại lệ. Đại diện công ty Acecook Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, tổng sản lượng sản xuất của công ty bị giảm so với bình thường do tình hình dịch bệnh phức tạp, cộng với việc thực hiện phương án “3 tại chỗ”.

Số lao động đăng ký “3 tại chỗ” chỉ chiếm khoảng một nửa tổng số lao động, nên sản lượng sản xuất giảm rất nhiều so với bình thường. Dẫn đến tình trạng là nguồn cung của công ty đang không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.