Phụ huynh băn khoăn
Theo đại diện viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM cho biết, sau khi thống nhất với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các cấp về vấn đề bố trí “làm lệch ca, học lệch giờ”, phương án sẽ chia thành 2 ca làm việc, mỗi ca cách nhau 30 phút. Thời gian cách nhau giữa các buổi làm việc là 60 phút. Phương án sẽ chủ yếu tập trung vào các cơ quan hành chính Nhà nước.
Cụ thể, vào buổi sáng, ca 1 từ 7h–11h30, ca 2 từ 7h30–11h30. Buổi chiều, ca 1 từ 12h30–16h và ca 2 từ 12h30–16h30. Việc thay đổi này sẽ tác động trực tiếp đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tạo nên giờ giấc làm việc mới cho các cơ quan, đoàn thể làm việc trong khu vực Nhà nước.
Tuy nhiên, mức độ tác động sẽ không lớn lắm và không ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc. Giải pháp này góp phần giảm từ 30%-60% phương tiện cá nhân tham gia giao thông vào giờ cao điểm, tương đương giảm từ 36.600-73.200 xe cộ lưu thông trên đường, giúp hạn chế ùn tắc giao thông.
Ngoài ra, còn có phương án khác được nghiên cứu là sở, ban, ngành, UBND các cấp và cán bộ công chức trong hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và các trường học trên địa bàn TP.HCM sắp xếp lại giờ làm việc, học tập.
Cụ thể, trong thứ Hai và thứ Sáu sẽ làm việc từ 8h–12h và từ 13h30–17h30; thứ Ba, thứ Tư và thứ Năm làm việc từ 7h30–11h30 và từ 13h– 17h (như thời gian làm việc hiện nay).
Phương án này được cho là sẽ góp phần giảm kẹt xe trong các ngày thứ Hai, thứ Sáu, những ngày cao điểm kẹt xe khi người dân từ các tỉnh, thành trở lại làm việc đầu tuần hay rời TP.HCM vào cuối tuần.
Anh Nguyễn Văn Cảnh (ngụ quận 1) nêu ý kiến: “Được kỳ vọng khá nhiều về một trật tự mới trong thời gian làm việc, học tập, giảm ùn tắc giao thông, nhưng đề án sẽ gây khó khăn cho việc đón con em đi học về vào thứ Hai và thứ Sáu. Bên cạnh đó, thay đổi giờ học tập như trên sẽ gây xáo trộn so với hiện tại nên phải khảo sát lấy ý kiến của phụ huynh, giáo viên, giảng viên và phần đông bộ phận người lao động trong cơ quan hành chính Nhà nước”.
Cũng trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (41 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) cho biết: “Mới đây, sở GD&ĐT TP.HCM đã bố trí lại giờ học tại các trường học. Cụ thể, học sinh THPT, THCS giờ vào học là 7h, bậc tiểu học là 7h30 và bậc mầm non từ 7h30–8h, ra về lúc 16h, sớm hơn các khối khác.
Trong cùng một trường, bậc tiểu học khối 1, 2, 3 ra trước; khối lớp 4, 5 ra sau. Tương tự ở các bậc học khác cũng lệch giờ vào học, ra về giữa các khối. Giải pháp đã giúp giảm kẹt xe trước cổng trường. Tuy nhiên, lại gây khó khăn cho các phụ huynh có 2 con nhỏ học chung một trường.
Ví dụ, phụ huynh có 2 bé học lớp 1 và lớp 4. Nếu phụ huynh đến đón con khối lớp 1 sẽ phải chờ thêm 30 phút nữa mới đón con học khối lớp 4”.
Chuyên gia đề nghị nghiên cứu kỹ
Liên quan đến đề án này, TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, giảng viên ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM bày tỏ: “Với đề án “học lệch giờ, làm lệch ca”, có nhiều nước trên thế giới đã thực hiện thành công. Ngoài ra, họ còn thực hiện khá tốt và góp phần hạn chế tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm. Chính vì thế, với chủ trương tái đề xuất nghiên cứu “học lệch giờ, làm lệch ca” sẽ góp phần vào việc giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, nó chỉ giải quyết được một phần chứ không thể giải quyết được một cách triệt để”.
Bên cạnh đó, TS. Phạm Sanh cũng bày tỏ thêm: “Giải quyết vấn đề kẹt xe không phải ngày một, ngày hai mà phải qua một quá trình có sự quy hoạch giao thông cụ thể. Ngoài ra, trong đề án “học lệch giờ, làm lệch ca” nên tiến hành kiểm tra, khảo sát kỹ trước khi thực hiện, tránh gây xáo trộn cuộc sống, công việc của người dân.
Đề án phải có phương án khả thi và thí điểm cụ thể một vài nhóm đối tượng trước như học sinh, sinh viên, công nhân, để xem xét hiệu quả. Trước khi triển khai đại trà, phải lấy ý kiến phản biện của các nhà khoa học, cơ quan chức năng liên quan”.
Cũng đưa ý kiến về vấn đề này, TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch hội Tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý TP.HCM lại có quan điểm trái ngược: “Thực sự, nếu để giảm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, chúng ta không cần thiết phải thực hiện đề án “học lệch giờ, làm lệch ca”. Bởi, kẹt xe vào giờ cao điểm chỉ tập trung ở các trục đường lớn từ ngoại thành vào trung tâm TP.HCM theo “quy tắc”, đầu giờ buổi sáng kẹt xe theo hướng đi vào trung tâm, cuối giờ buổi chiều theo hướng ngược lại.
Phân tích về vấn đề “học lệch ca”, ông Phúc cho rằng, học sinh, sinh viên không bao giờ là đối tượng gây nên tình trạng kẹt xe giờ cao điểm trên các trục đường lớn từ ngoại thành vào trung tâm TP.HCM.
Bởi hiện nay, học sinh được phân bổ học theo “tuyến”, nghĩa là theo đăng ký hộ khẩu. Tất cả các phường, quận đều có hệ thống trường từ mầm non, tiểu học, THCS cho đến THPT. Học sinh sinh sống ở phường, quận nào sẽ học ở các trường trên địa bàn đó và không thường xuyên đi trên các trục đường ra vào TP.
Còn sinh viên đại học, cao đẳng thường thuê nhà trọ ở gần trường nên cũng sẽ không gây ảnh hưởng đến việc kẹt xe trên trục đường chính từ ngoại thành vào trung tâm những giờ cao điểm.
"“Làm lệch giờ” chủ yếu cho các đối tượng là công chức, viên chức Nhà nước thuộc các cấp Trung ương, thành phố, quận, phường. Hầu hết trong số họ đều có nhà cửa, gia đình trong nội thành, hầu như không phải sáng vào chiều ra, họ không phải nguyên nhân gây kẹt xe vào giờ cao điểm trên các trục đường lớn từ ngoại thành vào trung tâm”, TS. Phúc nhấn mạnh.
Cuối tháng 9/2017 sẽ trình UBND TP.HCM Trao đổi với TS. Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết: “Sau khi được UBND TP.HCM giao, chúng tôi đã khẩn trương tổ chức đánh giá lại hiệu quả của giải pháp bố trí “làm lệch ca, học lệch giờ”. Viện cũng đã giao cho phòng Nghiên cứu quản lý đô thị thực hiện. Hiện, kế hoạch này đang được chúng tôi nghiên cứu cụ thể, chi tiết và tiếp tục hoàn thiện. Dự kiến, cuối tháng Chín này sẽ hoàn thành và trình lên UBND TP.HCM”. |