Để có góc nhìn cụ thể về tính khả thi của đề xuất xây dựng hệ thống giao thông thông minh, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM.
PV: Nhóm nghiên cứu của ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) đề xuất sở GTVT TP.HCM về việc sử dụng công nghệ giao thông thông minh, lắp camera tích hợp điều tiết giao thông, giảm tình trạng kẹt xe ở nút giao thông Cát Lái. Ông nhìn nhận như thế nào về đề xuất này?
Ông Nguyễn Bách Phúc: Lắp đặt hệ thống camera để quan sát tại hàng loạt nút giao thông chỉ là công việc đầu tiên và là yếu tố rất nhỏ của hệ thống giao thông thông minh. Thông tin thu được từ hệ thống camera này phải được truyền về một trung tâm điều khiển rất lớn, có khả năng nhận dạng, tính toán, phân tích; từ đó thiết lập những quyết định xử lý tình huống tức thời cho từng nút giao thông toàn hệ thống.
Những quyết định này chính là mệnh lệnh, sẽ được truyền tức thời đến các nút (nút giao thông - PV). Tại các nút, phải lắp đặt sẵn các thiết bị thừa hành mệnh lệnh, thực thi nhiệm vụ điều khiển của hệ thống giao thông thông minh.
Cho nên, khái niệm cơ bản của hệ thống giao thông thông minh phải được hiểu cho đúng. Đó là một hệ thống thiết bị hiện đại trên cơ sở công nghệ thông tin, viễn thông, tự động hóa, với những phần mềm chuyên dụng trọn vẹn. Hệ thống này phục vụ việc điều chỉnh đồng bộ cho cả thành phố, không bao giờ phục vụ riêng một nút giao thông hay một con đường.
PV: Như vậy, sau 10 năm, hệ thống giao thông thông minh tiếp tục được đưa ra bàn luận nhưng số tiền ít hơn nhiều (khoảng 11 tỷ đồng). Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của dự án lần này?
Ông Nguyễn Bách Phúc: Nhóm nghiên cứu trường ĐH Quốc tế nói: “Hệ thống camera sẽ quan sát, thu thập số liệu, lượng xe ra vào cảng, từ đó thực hiện mô phỏng, tự động thống kê, tích hợp” là hoàn toàn đúng. Nhưng tôi băn khoăn nội dung “đưa ra giải pháp tối ưu nhất (như điều chỉnh tín hiệu đèn giao thông) giảm ùn tắc giao thông”. Tôi nghĩ đây là điều không tưởng.
Bởi, ngoài hệ thống camera, bộ tính toán để điều chỉnh tín hiệu đèn giao thông phải được thiết lập. Phải tính toán cho những đèn tín hiệu giao thông nào, ở đâu và đặc biệt là làm sao truyền mệnh lệnh đến những đèn tín hiệu đó, làm sao các đèn "hiểu" được mệnh lệnh và thực hiện mệnh lệnh... lại là điều cần trả lời.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đang phối hợp với sở GTVT thực hiện thí điểm dự án tích hợp camera với giá trị gần 11 tỷ đồng ở khu vực hầm Thủ Thiêm, tuyến đường Võ Văn Kiệt. Nhóm hy vọng có thể áp dụng công nghệ điều tiết giao thông ở đây cho khu vực Cát Lái.
Đại diện sở GTVT cho rằng, hiện toàn thành phố có khoảng 500 camera giao thông, đưa dữ liệu về trung tâm điều hành ở hầm Thủ Thiêm. Tuy nhiên, dữ liệu camera chỉ mới giúp cơ quan chức năng xem xét những điểm kẹt xe chứ chưa tiến hành tích hợp và tự động điều tiết các sự cố ùn tắc giao thông.
PV: Vậy theo ông, muốn xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông thông minh, chúng ta cần phải nghiên cứu, tính toán như thế nào?
Ông Nguyễn Bách Phúc: Theo tôi, để thực hiện hệ thống giao thông thông minh, trước hết phải biết được hệ thống giao thông thông minh là cái gì? Khi thực hiện bao gồm những bước nào, các bước đó thực hiện chi tiết ra sao?
Ngoài ra, sau khi mua các thiết bị về phải tính toán xem hệ thống này lắp đặt ở đâu, đội ngũ nhân viên cũng phải được đào tạo, nâng cao trình độ, từ đó tạo sự đồng bộ trong quá trình hoạt động. Toàn bộ hệ thống phải được tính toán đầu tư một cách nghiêm túc.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Dương Hạnh