13 quận, huyện tại Tp.HCM đạt tất cả các tiêu chí phòng chống dịch Covid-19
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Tp.HCM, tính đến trưa nay (30/9), có 13 quận, huyện và Tp.Thủ Đức đạt các tiêu chí phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể:
- Số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch.
- Tỉ lệ mẫu xét nghiệm dương tính trên số người lấy mẫu xét nghiệm bằng phương phát RT-PCR trong ngày tại cộng đồng có xu hướng giảm liên tục trong vòng 14 ngày.
- Không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới xuất hiện trong vòng 7 ngày.
- Giảm tối thiểu 30% các tổ dân phố ở mức độ nguy cơ rất cao.
- Giảm tối thiểu 30% các tổ dân phố ở mức độ nguy cơ cao.
- Giảm tối thiểu 30% các tổ dân phố ở mức độ nguy cơ.
Căn cứ vào các tiêu chí nói trên, đến nay đã có 13 đơn vị, gồm: quận 1, 3, 5, 7, 10, 11, Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận; huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi và Tp.Thủ Đức đạt 6/6 tiêu chí phòng chống dịch Covid-19.
Mục tiêu của Tp.HCM sau ngày 30/9 là tăng cường kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên toàn địa bàn Thành phố; quyết tâm kéo giảm số ca nhập viện và số ca tử vong do dịch bệnh đến mức thấp nhất; ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; củng cố, phục hồi hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở.
Từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thành phố an toàn, hiệu quả; quan tâm mở các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ; đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn; đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái "bình thường mới".
Tiếp tục duy trì Trạm Y tế lưu động và Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng
Theo lãnh đạo Tp.HCM, công tác xét nghiệm tại các khu vực nguy cơ cấp 3 và 4 vẫn được tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế để chủ động phát hiện và tách nguồn lây, người nhiễm bệnh ra khỏi cộng đồng.
Những trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh, các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như: chợ đầu mối, bến xe và phương tiện vận chuyển, bệnh viện… sẽ được xét nghiệm tầm soát có trọng điểm.
Khuyến khích tổ chức, cá nhân tự làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên định kỳ theo hướng dẫn của ngành y tế.
Về việc quản lý, chăm sóc F0 cách ly, điều trị tại nhà, đảm bảo 100% các quận, huyện, Tp.Thủ Đức có kế hoạch thiết lập Trạm Y tế lưu động và Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng.
Tất cả các Trạm Y tế có oxy y tế và kịp thời cấp cứu cho người mắc Covid-19 đang cách ly tại nhà, đồng thời phát huy Tổ phản ứng nhanh Covid-19 tại địa phương trên tất cả địa bàn phường, xã, thị trấn.
Có phương án thiết lập Trạm Y tế lưu động tại khu, cụm công nghiệp; khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các khu vực khác phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, vừa đảm bảo an toàn vừa không làm gián đoạn các hoạt động.
Huy động mọi nguồn lực tham gia công tác chăm sóc F0 tại nhà, bao gồm: các tổ chức thiện nguyện, các phòng khám và nhà thuốc tư nhân, các bác sĩ gia đình, nhân viên y tế đã nghỉ hưu... Tăng cường phối kết hợp đông - tây y trong chăm sóc, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý F0.
Một trong các mục tiêu của Tp.HCM trong giai đoạn mở cửa từng phần từ ngày 1/10 là nâng cao năng lực điều trị, hạn chế tối đa số bệnh nhân Covid-19 trở nặng, kéo giảm tỉ lệ tử vong xuống mức thấp nhất có thể.
Xây dựng lộ trình phục hồi công năng của các bệnh viện, đảm bảo thực hiện 2 chức năng trong tình hình mới, vừa sẵn sàng thu dung điều trị người mắc Covid-19 vừa đảm bảo chức năng khám, chữa bệnh thông thường.