Đại diện sở Nội vụ TP.HCM cho biết đang đề xuất với UBND TP.HCM về tăng thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức lên 5-10 năm thay vì 2 năm như trước đây.
Liên quan đến thông tin này, trao đổi với PV, thạc sĩ, luật sư Nguyễn Nhật Tuấn, Trưởng phòng luật sư Phú Vinh, đoàn Luật sư TP.HCM khẳng định: “Căn cứ theo các quy định về luật Cán bộ, công chức, viên chức, thì việc TP.HCM đề xuất tăng thời hiệu xử lý kỷ luật áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức lần này mang tính xây dựng. Điều chỉnh thời hiệu xử lý tăng thêm 5 năm, 10 năm thay vì 24 tháng như trước đây, sẽ có tính đồng bộ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hơn. Và theo đó, nếu TP.HCM có những trường hợp vi phạm dù đã về hưu, hay còn gọi là “hạ cánh an toàn” thì vẫn có thể xem xét xử lý”.
Cũng theo luật sư Tuấn, việc này có tác dụng nhất định như kịp thời chấn chỉnh đảng viên, cán bộ, công nhân viên chức tuân thủ quy định pháp luật, giảm bớt được những tiêu cực, vi phạm pháp luật trong quá trình công tác.
“Tuy nhiên tôi cho rằng, việc tăng thời hiệu xử lý vẫn không thể bảo đảm được rằng không có sai phạm xảy ra trong đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức. Để có thể có bộ máy hành chính trong sạch, đội ngũ cán bộ, công nhân viên vừa hồng, vừa chuyên thì việc đầu tiên là trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đốc thúc cán bộ, nhân viên hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đồng thời, không ngừng tu dưỡng đạo đức cho cán bộ, đảng viên… Thời gian xử lý vi phạm có 5 năm, 10 năm hay 20 năm đi nữa, nếu không có sự chấn chỉnh kịp thời, không được bồi dưỡng, rèn luyện tốt thì đều vô ích”, luật sư Tuấn phân tích.
Chuyên gia hành chính công, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri cho rằng, việc tăng thời hiệu xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức tại TP.HCM là một đề xuất hay và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Không chỉ TP.HCM mà nhiều địa phương khác, việc cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nhưng không bị xử lý do vướng thời hiệu là không hiếm trên thực tế. Điều đó cho thấy quy định pháp luật hiện nay còn nhiều kẽ hở để người vi phạm có thể lách luật.
Cũng theo ông Tri, với đề xuất này, TP.HCM đang thực hiện chủ trương trong sạch hóa và lấy lại niềm tin của xã hội với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố. Và, với đề xuất này, chắc chắn TP.HCM sẽ gặp những rào cản, những mâu thuẫn, xung đột nhất định do mỗi người đều đứng trên lợi ích của mình mà đưa ra ý kiến khác nhau. Do đó, tất cả phải đứng trên quan điểm chung mới xử lý được hợp pháp, hợp lý. Các địa phương phải có đề xuất, thực hiện rồi tổng kết và rút kinh nghiệm nâng lên thành vấn đề chung, sau đó mới tính việc sửa quy định của pháp luật.
Trước đó, báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Đạo, Phó Giám đốc sở Nội vụ TP.HCM về vấn đề này. Ông Đạo nhấn mạnh, có nhiều vụ việc, sau này cơ quan chức năng mới có điều kiện thanh tra, kiểm tra phát hiện ra sai sót của cán bộ, công chức, viên chức, nhưng do vướng quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật nên đã không xử lý được công chức vi phạm. Từ thực tế đó, TP quyết định kiến nghị nhằm xử lý những trường hợp vi phạm, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật hơn.
“Tôi chưa dám khẳng định TP.HCM là đơn vị đi đầu trên cả nước để đưa ra đề xuất về tăng thời hiệu xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức, nhưng tôi tin rằng, với đề xuất này nếu được Chính phủ đồng ý sẽ mang lại nhiều mặt tích cực, giúp xử lý vi phạm đúng người đúng tội”, Phó Giám đốc sở Nội vụ TP.HCM cho biết thêm.
Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị điều chỉnh thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức như thời hiệu xử lý kỷ luật về mặt Đảng.
Theo đó, điểm a, khoản 1, Điều 3 Quy định 102/2017 của ban Chấp hành Trung ương về xử lý kỷ luật đảng viên, thời hiệu xử lý kỷ luật đảng được quy định là 5 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng khiển trách, 10 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.
Lý do mà UBND TP.HCM đưa ra kiến nghị này là vì hiện nay luật Cán bộ công chức, viên chức, Nghị định số 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức, Nghị định 27/2012 của Chính phủ về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường hoàn trả của viên chức quy định thời hiệu kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm.
Thời gian qua, tại TP.HCM có một số trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm, đến khi phát hiện thì đã quá thời hiệu xử lý kỷ luật, không bị xem xét xử lý kỷ luật.
Từ thực trạng đó, theo đề xuất của UBND TP.HCM sẽ nâng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức là 5 năm đối với hình thức kỷ luật khiển trách, 10 năm đối với các hình thức kỷ luật khác theo quy định.