Tìm nguyên nhân tăng trưởng kinh tế chậm lại
Chiều 1/7, UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phiên họp tình hình kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 6/2024 và 6 tháng đầu năm.
Theo báo cáo kinh tế - xã hội của UBND thành phố Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,46%.
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 28/6, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố Hồ Chí Minh đã giải ngân là 10.129 tỷ đồng, đạt 12,8% tổng kế hoạch vốn được giao.
Đánh giá về tình hình kinh tế, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Khắc Hoàng nhìn nhận nếu như kinh tế quý 1 tăng khởi sắc thì quý 2 lại tăng chậm lại, kéo theo kinh tế 6 tháng chỉ đạt 6,46%.
Ông Hoàng cho biết, kinh tế quý 1 tăng cao hơn cả nước nhưng quý 2 lại thấp hơn cả nước và thấp nhất trong các thành phố trực thuộc Trung ương và khu vực.
Qua đó, cho thấy tình hình sản xuất của thành phố Hồ Chí Minh trong quý 2 đang có xu hướng chậm lại, thể hiện ở chỉ số ngành công nghiệp có tăng so với năm trước nhưng so với cả nước vẫn thấp hơn.
“Thông thường chỉ số sản xuất công nghiệp của Thành phố luôn luôn cao hơn cả nước, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến - chế tạo là ngành trụ cột của Thành phố lại có mức tăng thấp hơn mức tăng trưởng chung, lao động lao động tham gia chế biến - chế tạo cũng giảm”, ông Hoàng thông tin.
Ngành xây dựng được kỳ vọng rất nhiều, quý 1 tăng 7,9% nhưng quý 2 chỉ tăng 4,1%. Điều này có phần ảnh hưởng từ giải ngân đầu tư công.
Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, 6 tháng đầu năm, thành phố Hồ Chí Minh chỉ giải ngân 10.129 tỷ đồng, đạt 12,8% tổng kế hoạch vốn được giao, trong khi mục tiêu của Thành phố là giải ngân ít 22%. Trước đó quý I giải ngân 7% nhưng quý 2/2024 giải ngân chỉ đạt 6,8% trong khi quý 2/2023 lại giải ngân gấp 9 lần so với quý 1/2024.
Ông Hoàng cho rằng: “Việc quý 2 giải ngân thấp hơn làm ảnh hưởng đến tiến độ đặt ra của Thành phố. Với tiến độ hiện nay, bình quân mỗi tháng Thành phố phải giải ngân 13%, bình quân một tháng phải bằng sáu tháng giải ngân, thì liệu có giải ngân nổi không, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng”.
Về giải ngân đầu tư công, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho rằng, đây là việc rất đáng lo bởi với tình hình hiện nay có thể không đạt được như năm 2023.
Hiện nay, các dự án chuẩn bị đầu tư và dự án đang triển khai có 2 nhóm. Đối với dự án chuẩn bị đầu tư thì gắn với vấn đề quy hoạch và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khi triển khai thực hiện.
Ông Lâm cũng cho biết, hiện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 5 dự án trọng điểm quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ họp định kỳ hàng tháng. Trong đó, về dự án Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, các gói thầu trên địa bàn các tỉnh khác như Bình Dương, Đồng Nai… đã có tiến độ vượt lên so với thành phố Hồ Chí Minh.
Nếu thành phố Hồ Chí Minh không tập trung cao độ, tăng tốc thì sẽ bị chậm hơn các tỉnh và nguy cơ ảnh hưởng tiến độ chung. Trong đó, Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để giải quyết các khó khăn về vật liệu, công tác điều hành và đẩy nhanh tiến độ thi công trên công trường.
Họp rà soát mỗi tuần để kịp thời gỡ vướng
Báo cáo thêm, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh nhắc lại kịch bản Thành phố đặt ra cho tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 là 7,5-8%.
Các năm qua, thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên tăng tốc vào quý 3 và quý 4, do đó khả năng đến cuối năm 2024, kinh tế Thành phố có thể đạt 6,8-7,5%.
Phát biểu tại phiên họp, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong 6 tháng đầu năm có hai vấn để nổi lên, nhưng không phải mới. Đó là năng lực hấp thụ vốn và hiệu quả cải cách hành chính.
Theo ông Mãi, giải ngân đầu tư công trong quý 2 đặt ra mục tiêu là 30% nhưng cho đến nay chỉ mới 13% nên “phải tập trung trong quý 3 và quý 4”.
Người đứng đầu chính quyền thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo, trong 6 tháng cuối năm phải tập trung mọi nỗ lực, tìm mọi giải pháp để thúc tăng trưởng, trước hết là thúc đẩy giải nhân đầu tư công và đầu tư tư nhân.
“Vướng mắc ở đầu tư, kể cả đầu tư công và tư cũng phải tháo gỡ ngay. Thành phố thành lập tổ chuyên trách và tháo gỡ ngay khi phát sinh. Mỗi tuần phải tổ chức rà soát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố”, ông Mãi quán triệt.
Đối với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, với mức tăng trưởng này, ông Mãi đánh giá trong quý 3 phải tăng trên mức 7% và quý 4 phải 8% thì mới đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 7,5 - 8%.
Vì vậy, cả hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính quyền, sở ngành, địa phương phải tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Về chủ đề năm 2024 của thành phố Hồ Chí Minh, ông Mãi cho rằng những việc triển khai có tính chất nền tảng đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, các đơn vị liên quan cần chọn nội dung trọng tâm thực hiện vào chiều sâu, tập trung đột phá.
Qua rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp, đặc biệt là 49 chương trình, đề án, dự án trọng điểm về kinh tế - xã hội thì thành phố Hồ Chí Minh có 6 chỉ tiêu trong tổng số 23 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội phải tập trung thực hiện đạt kết quả cao nhất từ đây đến năm 2025.
Trong 49 chương trình, đề án, dự án trọng điểm cần tập trung thực hiện cùng với thực hiện các Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, ông Mãi đề nghị cần chọn những dự án trọng điểm để tập trung làm, để đến năm 2025 phải khánh thành hoặc khởi công.
Điểm sáng phát triển kinh tế
Trong 6 tháng đầu năm, một số ngành, lĩnh vực kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng ổn định, cao hơn so với cùng kỳ.
Thành phố đã tổ chức đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, tập trung tìm cách tháo gỡ các dự án vướng mắc bước đầu mang lại kết quả nhất định.
Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Nhiều công trình cấp bách, trọng điểm chưa đảm bảo tiến độ do thiếu cát san lấp; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm, dẫn đến phải tạm dừng thi công, công tác phối hợp, đôn đốc giữa các chủ đầu tư với UBND các quận, huyện trong bồi thường hỗ trợ tái định cư chưa đáp ứng yêu cầu.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước của thành phố Hồ Chí Minh ước đạt gần 264.460 tỷ đồng (đạt gần 55% dự toán, tăng hơn 16% so cùng kỳ).
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) trong 6 tháng đầu năm ước tăng 6,46%. Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 5,55%; khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng GRDP khi tăng 7,26% so với cùng kỳ.