Áp lực đầu vào nên tỷ lệ chọi cao
Tại thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm học 2024-2025, Thành phố sẽ tổ chức khảo sát vào lớp 6 ở một số trường tiên tiến hiện đại hoặc có học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu (căn cứ văn bản hợp nhất 03/2019 của Bộ GD&ĐT).
Dự kiến sẽ có 6 trường thực hiện khảo sát. Thành phố Thủ Đức có 3 đơn vị là Trường THCS Trần Quốc Toản 1, Trường THCS Hoa Lư và Trường THCS Bình Thọ. Trong khi đó, quận 7 có Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, huyện Hóc Môn có Trường THCS Nguyễn An Khương và tại quận 1 thì Trường THCS – THPT Trần Đại Nghĩa đang xây dựng đề án.
Các trường tại thành phố Thủ Đức sẽ tuyển 980 học sinh lớp 6 bằng đề thi của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức, thay vì chung đề của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ chí Minh.
Theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp được UBND thành phố Thủ Đức công bố, 3 trường sẽ tổ chức thi cùng ngày. Năm ngoái, địa phương này chỉ có một Trường là THCS Trần Quốc Toản 1 tổ chức thi vào lớp 6, dùng chung đề với Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Trường THCS Trần Quốc Toản 1, THCS Hoa Lư và THCS Bình Thọ đều đang thực hiện mô hình tiên tiến, hội nhập quốc tế. Theo đó, sĩ số lớp không vượt quá 35 học sinh với 3 khoản chính là học phí, phí mô hình tiên tiến 1,5 triệu đồng mỗi tháng; các khoản thu theo thỏa thuận (bán trú, xe đưa đón).
Theo ghi nhận tại một số trường THCS có chất lượng nổi trội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, những năm trước dù không thực hiện khảo sát và vẫn tuyển sinh theo phân tuyến nhưng tuyển sinh lớp 6 cũng khá gắt gao.
Chẳng hạn như ưu tiên tuyển học sinh giỏi 5 năm liền, điểm kiểm tra cuối kỳ năm lớp 5 đạt 19 điểm trở lên, kèm thêm các chứng chỉ tiếng Anh, kỹ năng...
Tại quận Gò Vấp, Trường THCS Phan Văn Trị thực hiện mô hình trường tiên tiến, nhưng cách tuyển sinh lâu nay là quy định học sinh có chứng chỉ tiếng Anh Flyer.
Theo ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, nếu thực hiện bài khảo sát thì cũng là bằng tiếng Anh, nên phòng GD&ĐT tận dụng các thành tích về ngoại ngữ mà học sinh đã có để tuyển sinh trong năm học 2024 – 2025. Bởi để tổ chức một kỳ thi riêng khá tốn kém và tạo áp lực không cần thiết.
Để tham gia vào cuộc đua này, ngay từ các kỳ thi, nhiều bậc phụ phải đăng ký cho con tham gia các lớp luyện thi Toán, Văn, Tiếng Anh để trẻ có thể vượt qua nhiều trẻ em khác, ghi tên vào danh sách trúng tuyển của những ngôi trường điểm, chất lượng cao.
Chị Nguyễn Thùy Dương (ngụ tại phường Linh Đông, thành phố Thủ Đức) cho biết: “Tôi dự định sẽ cho con vào học lớp 6 tại Trường THCS Bình Thọ (trường theo mô hình tiên tiến hội nhập). Khi biết thông tin trường thực hiện khảo đầu vào, nên ngay từ khi bé vào học lớp 4, tôi đã có bé tham gia lớp luyện thi tại một trung tâm chuyên luyện dạng bài khảo sát thi chuyên Trần Đại Nghĩa với mức học phí 1,2 triệu đồng/tháng, tuần học 2 buổi. Ngoài ra, trong tuần tôi cũng cho con theo học trung tâm để thi chứng chỉ tiếng Anh Flyer”.
Thi khảo sát đảm bảo công bằng
Lãnh đạo các Phòng GD&ĐT cho biết, việc dự kiến tổ chức khảo sát đầu vào do số lượng nguyện vọng vào các trường trên gấp nhiều lần khả năng tiếp nhận. Nếu chỉ tuyển học sinh theo hình thức phân tuyến thông thường sẽ gây khó cho các trường, dễ phát sinh tiêu cực.
Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức, cho hay vì theo mô hình tiên tiến, hội nhập, trường THCS Bình Thọ, Hoa Lư đều nhận học sinh trên toàn địa bàn thành phố Thủ Đức.
Tuy nhiên, nhu cầu của phụ huynh cao, học lực của thí sinh đều nằm ở mức 9,10 điểm nên các trường khó phân loại, xét tuyển. Từ đó, trường buộc phải đặt ra tiêu chí phụ, ưu tiên chứng chỉ tiếng Anh Flyer (bài thi chương trình Cambridge dành cho trẻ tiểu học, tương đương trình độ A2), giải thưởng trong các kỳ thi.
Theo ông Nguyên, việc tổ chức thi khảo sát tạo sự công bằng, tránh tình trạng chạy đua thành tích hoặc chứng chỉ tiếng Anh.
Kỳ thi khảo sát vào lớp 6 ở Trường THCS Trần Quốc Toản 1 năm ngoái cho thấy, tổ chức thi giải quyết áp lực tuyển sinh tốt hơn xét tuyển.
Do đó, thành phố Thủ Đức xin ý kiến Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh để áp dụng hình thức này tại các trường có số nguyện vọng đăng ký lớn.
Một lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 7 cho biết, tất cả trường THCS trên địa bàn đều gặp áp lực tuyển sinh đầu cấp, dù chưa thực hiện mô hình tiên tiến hội nhập.
Quận 7 quyết định chọn Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ thử nghiệm hình thức khảo sát, bởi mặt bằng học sinh khu vực lân cận trường khá tốt, trường dẫn đầu quận về chất lượng giảng dạy, thi đua.
Trường này trước đây từng định tuyển sinh bằng cách chọn 20% học sinh giỏi nhất của các trường tiểu học, nhưng sau đó bỏ do lo ngại tạo áp lực chạy đua thành tích.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định không được tổ chức thi tuyển sinh lớp 6.
Tuy nhiên, những trường có số lượng học sinh đăng ký gấp nhiều lần khả năng tiếp nhận, ban chỉ đạo tuyển sinh quận, huyện có thể xin phương án tổ chức khảo sát năng lực.
Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh sẽ hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh, theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Nhận định về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, không có phương án nào tạo ra công bằng tuyệt đối, chỉ có phương án nào tối ưu.
Để xác định được điều này, vai trò của Sở GD&ĐT rất quan trọng khi phải nghiên cứu, khảo sát để tìm ra cách tuyển sinh phù hợp với từng trường, từng địa bàn mà không gây áp lực cho học sinh và gia đình. Từ đó, có hướng dẫn để các trường thực hiện.
“Việc gây áp lực với học sinh 10-12 tuổi là không tốt, ảnh hưởng đến sự phát triển của các em. Nếu nhờ ôn luyện mà học sinh may mắn đậu vào trường không đúng năng lực, về lâu về dài sẽ không thể theo kịp bạn bè, ảnh hưởng đến tâm lý và cả chặng đường học tập sau này. Ngược lại, nếu vào đúng trường phù hợp với năng lực, sở trường và sự hỗ trợ của phụ huynh thì các em sẽ có động lực học tập hơn”, ông Ngai đánh giá.