Chiều 26/11, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã thay mặt UBND TP trình bày chi tiết đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Theo đó, đề án này sẽ chính thức được thực hiện sau hơn một năm chuẩn bị.
Trước tiên, đề án đô thị thông minh sẽ được thí điểm tại quận 1 và quận 12, với tầm nhìn đặt người dân làm trung tâm của đô thị và có thể tham gia vào quá trình giám sát, xây dựng thành phố.
Đề án đô thị thông minh sẽ đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn cho người dân. Giúp người dân dễ dàng tra cứu, nắm bắt thông tin một cách nhanh nhất trong nhiều lĩnh vực như: giao thông, y tế, an toàn thực phẩm, chống ngập, chính quyền điện tử…
Cụ thể, trong lĩnh vực giao thông, người dân được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông. Giải pháp đỗ xe, thu phí thông minh. Người dân cũng được sử dụng dữ liệu mở về giao thông và thông tin dự báo giao thông giúp người dân tìm lộ trình di chuyển phù hợp.
Trong lĩnh vực y tế, các dữ liệu về thống kê y tế, chỉ dẫn về dịch vụ y tế, an toàn thuốc, dịch bệnh... được chia sẻ dưới dạng tư liệu mở. Người dân cũng có thể truy cập bằng điện thoại để theo dõi tình hình sức khỏe của mình bằng bệnh án điện tử, xem lưu trữ, chia sẻ với đội ngũ chăm sóc y tế… Từ đó, chất lượng khám chữa bệnh sẽ được nâng cao, các sai sót y khoa cũng được hạn chế.
Một lĩnh vực đang được người dân quan tâm hàng đầu hiện nay là an toàn thực phẩm. Theo đề án đô thị thông minh, TP sẽ xây dựng các công cụ cho phép người dân tìm hiểu trước về cơ sở kinh doanh đồ ăn uống, thông tin về cấp phép và độ tin cậy của nơi cung cấp các dịch vụ về ăn uống để người dân có thể dễ dàng lựa chọn trước khi sử dụng. Ngoài ra, các giải pháp về ứng dụng trong đô thị thông mình sẽ cho phép người dân truy xuất được nguồn gốc của nhiều loại thực phẩm để có thể yên tâm hơn.
Về lĩnh vực chính quyền điện tử, an ninh trật tự, hệ thống dịch vụ công trực tuyến tập trung đa dạng về hình thức truy cập sẽ giúp thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia các hoạt động của cơ quan Nhà nước. Đồng thời, cho phép công dân chỉ truy cập vào một địa chỉ duy nhất và đăng nhập một lần mà có thể thực hiện được toàn bộ các giao dịch với chính quyền.
Người dân và doanh nghiệp được sinh sống và phát triển trong môi trường an toàn cao. Các cơ sở dữ liệu được số hóa nên người dân không còn phải photo nhiều giấy tờ như CMND, hộ khẩu, điền tay và thực hiện nhiều thủ tục. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Trong lĩnh vực chống ngập, các hệ thống cảnh báo và giám sát ứng dụng công nghệ thông tin sẽ được xây dựng, giúp người dân có thể theo dõi và được cung cấp các thông tin về tình hình thời tiết, mưa, triều cường để chủ động hơn trong việc ứng phó.
Bên cạnh đó cho người dân có thể truy cập và tìm thông tin một cách nhanh chóng trong các giao dịch bằng dữ liệu mở về quy hoạch đô thị, đẩy mạnh tính minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân.