Trao đổi với PV Người Đưa Tin vào đầu giờ chiều 19/7, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng cục Hải Quan TP.HCM cho biết: “Đến thời điểm này, tôi vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ bộ Tài chính, tổng cục Hải quan liên quan đến sự việc yêu cầu kiểm điểm lại trong vụ 213 container “mất tích”".
"Hiện một số tờ báo có đăng tải thông tin. Tôi cũng chỉ biết vậy chứ chưa nhận được bất cứ thông tin gì. Để rõ hơn, đề nghị anh liên hệ với bộ Tài chính và tổng cục Hải quan”, ông Thắng nói thêm.
Trước đó, có một số thông tin cho rằng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu bộ Tài chính chỉ đạo tổng cục Hải quan thực hiện lại việc kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu cục Hải quan TP.HCM và chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 liên quan đến việc 213 container là hàng quá cảnh “mất tích” tại cảng Cát Lái.
Trở lại vụ việc này, cục Hải quan TP.HCM đã kỷ luật bằng hình thức khiển trách 2 công chức liên quan đến việc hủy BOA trên hệ thống. Hạ 2 mức phân loại xuống mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực 2 công chức không làm đúng quy định về quản lý và sử dụng seal hải quan.
Đồng thời, hạ 2 mức phân loại xuống mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực 9 công chức và một lãnh đạo đội Giám sát liên quan đến việc hàng đã ra khỏi cảng nhưng không có hồ sơ lưu.
Bên cạnh đó, cục Hải quan TP.HCM cũng hạ 1 mức phân loại xuống mức hoàn thành tốt nhiệm vụ 3 lãnh đạo chi cục, 3 đội trưởng theo các thời kỳ có liên quan đến vụ việc 213 container "mất tích".
Riêng 2 công chức do đang bị tạm giam sẽ xem xét sau khi có kết luận của cơ quan điều tra. Đó là ông Nguyễn Văn Lâm, cán bộ chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 về hành vi “lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao đã cố ý không thực hiện đúng các quy định của ngành hải quan tiếp tay cho một số đối tượng lợi dụng chính sách trung chuyển, quá cảnh hàng hóa để nhập hàng cấm từ nước ngoài vào Việt Nam tiêu thụ”.
Và người thứ 2 là ông Trần Thanh Tùng, công chức chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (cục Hải quan TP.HCM). Trước đó, ông này làm việc tại chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 thời điểm 213 container quá cảnh tại cảng Cát Lái và "biến mất" bí ẩn.
Ông Tùng bị bắt về hành vi “biết nhưng không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, không quản lý seal (hay còn gọi niêm phong chì – PV) theo quy định của tổng cục Hải quan gây hậu quả nghiêm trọng”.
Về vụ việc này, qua kiểm tra, tổng cục Hải quan đã phát hiện 213 container của 56 doanh nghiệp (nhập về cảng Cát Lái trong giai đoạn từ tháng 4/2015 đến tháng 2/2016) vận chuyển hàng quá cảnh qua cảng Cát Lái (là cửa khẩu nơi đi) để trung chuyển bằng đường bộ, sau đó, xuất sang Campuchia (là cửa khẩu nơi đến) đã biến mất khỏi cảng Cát Lái một cách bí ẩn.
Thực tế, số container này đã được doanh nghiệp vận chuyển ra khỏi cảng, tuy nhiên, không được đưa đến cửa khẩu xuất theo đúng quy định.
Tổng cục Hải quan xác định, một số công chức thừa hành tại chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 chưa thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ. Cụ thể là chưa cập nhật thông tin, theo dõi tình trạng vận chuyển hàng hoá; không truy tìm hàng khi đã quá thời hạn đăng ký mà chưa có thông tin xác nhận hàng đã đến đích...
Theo thông tin mà PV có được, cơ quan chức năng đã truy bắt được khoảng 60 container biến mất trong tổng số 213 container nói trên. Số này bắt được chủ yếu ở TP.HCM và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với hơn 100 container, trong đó khoảng 60 container có lai lịch từ cảng Cát Lái.
Hàng hóa trong các container này đều là hàng cấm, hàng lậu, chủ yếu là hàng điện tử đã qua sử dụng (máy lạnh, máy giặt, thùng loa...) nhập khẩu từ Nhật Bản về Việt Nam. Đây đều là hàng nằm trong danh mục cấm nhập khẩu của Việt Nam.
Thực tế, cơ quan chức năng đã kiểm tra 1 container (trong tổng số 213 container) chưa kịp “biến mất” tại cảng Cát Lái. Kết quả cho thấy, container này cùng chủng loại với số container đã truy bắt được, khi phát hiện bên trong đều là hàng điện tử: Máy lạnh, máy giặt, loa thùng... đã qua sử dụng. Toàn bộ số hàng này đều có xuất xứ từ Nhật Bản.