Yếu kém
Việc không còn duy trì trung tâm Chống ngập là chủ trương của UBND TP.HCM trong đề án Sắp xếp lại các ban quản lý dự án của TP, các quận/huyện, ban quản lý dự án ODA.
Về trung tâm Chống ngập, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Thành phố đang có phương án đối với trung tâm Chống ngập là chỉ giữ lại 2 chức năng: Quản lý dự án và vận hành các công trình đã được nghiệm thu”.
Mới đây, Thanh tra TP.HCM đã có kết luận về việc thanh tra ban Quản lý Dự án Xây dựng công trình (thuộc trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước TP.HCM - gọi tắt là trung tâm Chống ngập).
Kết quả thanh tra chỉ rõ, ban quản lý đã thiếu sót trong quản lý và sử dụng các nguồn thu tại dự án bờ hữu sông Sài Gòn (Nam Rạch Tra), dự án Tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên giai đoạn 1. Đồng thời, đơn vị này cũng phải nộp lại cho ngân sách Nhà nước số tiền 1,5 tỷ đồng do sai phạm nói trên.
Nói về công tác chống ngập, ông Tuyến cho rằng: “Ngập nước là vấn đề bức xúc của xã hội và đang được Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM rất quan tâm. Ngoài yếu tố do lịch sử để lại, công tác quản lý Nhà nước, quy hoạch yếu kém hiện tại cũng là nguyên nhân quan trọng”.
Tuy nhiên nhiều ý kiến vẫn băn khoăn và cho rằng, cần giải thể luôn trung tâm Chống ngập. Bình luận về việc này, kỹ sư Nguyễn Đăng Ngọc, hiện đang làm việc cho một tập đoàn nước ngoài tại TP.HCM nói: "Tôi cho rằng phải giải thể luôn trung tâm này vì nó không hoàn thành nhiệm vụ. Trên thực tế, hiện TP đã có công ty thoát nước ở cấp quận cũng có các ban quản lý hạ tầng, sở Giao thông vận tải cũng là đơn vị chống ngập…. Như vậy, đã đủ cơ quan rồi, không cần đẻ ra thêm cơ quan, đơn vị khác cho tốn thêm ngân sách, cồng kềnh bộ máy”.
Nhiều cái lạ
Được thành lập từ năm 2008, với mục tiêu là giải bài toán ngập cho TP.HCM, đồng thời hướng đến việc chống ngập có hệ thống, mang tính lâu dài và bền vững, tuy nhiên, cho đến nay, hiệu quả chống ngập mà trung tâm Chống ngập mang lại đang bị dư luận lên tiếng. Đặc biệt là khi tình trạng ngập vẫn diễn ra trên diện rộng và phức tạp.
Bên cạnh những thành tích đạt được, trung tâm này cũng có nhiều câu chuyện lạ. Điển hình mới đây nhất là việc đơn vị này đã chuyển cụm từ “ngập sâu” thành “tụ nước” ở 22 tuyến đường trong cơn mưa lớn ngày 19/5/2018. Việc này đã bị dư luận phản ứng mạnh mẽ.
Nói về cách dùng từ này, ông Tuyến chia sẻ trong cuộc họp ngay sau đó rằng: “Khi thông tin với người dân thì không sử dụng từ ngữ chuyên môn như vậy được. Bởi, mưa, triều cường gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân thì gọi là ngập, chứ không thể gọi là tụ nước được”.
Cũng trong cơn mưa lớn nói trên, lãnh đạo quận Phú Nhuận đi kiểm tra thực tế và cho biết, đường Phan Xích Long bị ngập. Tuy nhiên, trong báo cáo của mình, trung tâm này cho rằng tuyến đường Phan Xích Long lại không ngập.
Trước đó, trung tâm này còn đề xuất dùng 1.400 tỷ đồng để đầu tư 63 xe bơm nước và bến bãi, trang thiết bị cho công tác chống ngập của TP. Thời điểm đề xuất, lãnh đạo đơn vị này còn khẳng định đây là giải pháp “mang tính đột phá”.
Theo đó, đơn vị này đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách và huy động một số nguồn khác mua 63 xe, gồm: 28 xe công suất 20 m3/phút, 23 xe công suất 30 m3/phút, 12 xe công suất 60 m3/phút và một bãi xe, nhà điều hành. Giá mỗi xe bơm hút khoảng gần 20 tỷ đồng (gần 1 triệu USD/xe).
Cuối năm 2017, trung tâm này cũng đề xuất lên UBND TP.HCM về dự án Quản lý tích hợp ngập lụt đô thị. Và để thực hiện dự án, đơn vị này muốn vay từ Chính phủ Đan Mạch khoản tiền 15 triệu USD. Số tiền này sẽ được dùng vào việc tiến hành hiện đại hóa mở rộng hệ thống quan trắc khí tượng, mưa, thủy văn và các trạm ra đa….
Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 - 2020. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin về số tiền được vay.