Theo đó, đối với các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bán buôn thuốc: Chỉ được bán thuốc cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là bệnh viện (các cơ sở khám bệnh chữa bệnh khác chỉ được mua thuốc phục vụ cho công tác cấp cứu và thực hiện các thủ thuật chuyên môn phù hợp theo phạm vi hoạt động của giấy phép hoạt động), các cơ sở kinh doanh dược có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và giấy chứng nhận thực hành tốt với phạm vi kinh doanh phù hợp. Phải thực hiện đầy đủ hồ sơ pháp lý của nhà cung cấp và khách hàng khi thực hiện việc mua và bán thuốc.
Đặc biệt, đối với các cơ sở bán lẻ thuốc: Chỉ được bán thuốc kê đơn cho người bệnh có đơn thuốc và thực hiện tư vấn khi bán thuốc không kê đơn, lưu giữ thông tin về đơn thuốc và dữ liệu bệnh nhân để truy xuất khi cần thiết.
Đối với các cơ sở kinh doanh thuốc không thực hiện đúng các quy định về chuyên môn dược, sở Y tế sẽ tiến hành thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh Dược theo quy định tại điều 40 luật Dược số 105/2016/QH13.
Quy định trên của sở Y tế TP.HCM nhằm kiểm soát tình trạng mua bán và sử dụng kháng sinh vô tội vạ trong điều trị khiến tình trạng kháng thuốc ngày càng báo động, đồng thời kiểm soát việc thực hiện kinh doanh thuốc theo đúng quy chế chuyên môn.
Bộ Y tế Việt Nam cũng vừa đưa ra khuyến cáo, tỷ lệ sử dụng kháng sinh ở Việt Nam hiện nay luôn ở mức cao, tiền thuốc kháng sinh chiếm 33% tổng chi phí điều trị bệnh, thuốc kháng sinh được mua bán một cách dễ dàng, nhiều chủng vi khuẩn, vi rút đã kháng thuốc.
Ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược - sở Y tế TP.HCM, cho biết để kéo giảm tình trạng kháng thuốc kháng sinh, cần sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội; đặc biệt, cần thực hiện quyết liệt việc bán và sử dụng thuốc theo đơn, xử lý nghiêm những cửa hàng, hiệu thuốc làm trái quy định.
Phong Linh (tổng hợp)