Ngày 4/3, tại Tp.HCM, tọa đàm "Làm thế nào thoát khỏi nguy cơ rối loạn tâm lý học đường do ảnh hưởng Covid-19" được tổ chức tại trường THPT Nguyễn Hữu Thọ. Chương trình diễn ra sau 10 ngày có sự việc 1 học sinh lớp 10 nhảy lầu tự tử trong khuôn viên cơ sở trung học phổ thông này.
Trao đổi với Người Đưa Tin bên lề tọa đàm, ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu Trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Thọ cho biết: “Tập thể thầy cô giáo nhà trường hết sức bàng hoàng về sự việc. Hiện nay, sức khỏe học sinh này đã ổn định. Em có nguyện vọng quay lại học tập nhưng nhà trường trao đổi với gia đình học sinh để đảm bảo hồi phục tinh thần tốt nhất”.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo nhà trường đã yêu cầu các bộ phận có liên quan thực hiện rà soát cơ sở vật chất, phòng học để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Đồng thời, ban giám hiệu chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm nhanh chóng tổ chức gặp gỡ, sinh hoạt, ổn định tâm lý cho học sinh nhằm nắm bắt các biểu hiện lo âu, căng thẳng, rối loạn tâm lý, tình cảm,…của học sinh sau thời gian dài học trực tuyến để có giải pháp lắng nghe, chia sẻ, phối hợp với gia đình tháo gỡ vấn đề.
“Chúng tôi cũng chỉ đạo phòng tham vấn học đường chuẩn bị bài khảo sát đánh giá tâm lý học hành vi đối với học sinh và tổng hợp, rà soát kết quả. Từ đó, nhà trường xác định 10 học sinh có vấn đề tâm lý và có hỗ trợ kịp thời. Cần có sự phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng giữa nhà trường và phụ huynh để tháo gỡ khó khăn về tâm lý của học sinh”, ông Đảo cho hay.
Các giáo viên dạy kỹ năng sống của trường đã có thay đổi khung chương trình, tập trung kỹ năng giải quyết các vấn đề tâm lý để học sinh có khả năng vượt qua căng thẳng, lo âu,…vì dịch bệnh.
Tại tọa đàm, học sinh Trần Mỹ Linh, lớp 12A5 tâm sự, bản thân em phải đối mặt với tình trạng căng thẳng tâm lý kéo dài và dịch bệnh càng làm nặng thêm tình trạng của em.
“Do phải online kéo dài nên em không quen biết được nhiều bạn mới và có rất ít bạn bè để có thể chia sẻ. Em thuộc nhóm người hướng nội nhưng gia đình không chịu nghe em tâm sự. Hễ định tâm sự thì cha mẹ không hề nghe, em rất chán nản suốt 5 tháng vừa qua. Khi trở lại trường học tập thì không thể kết bạn mới, mọi người nhìn em như người lập dị, làm em trầm cảm thêm trong suốt thời gian qua”, Mỹ Linh nghẹn ngào nói.
Còn một học sinh khác cho biết, trong đợt dịch bệnh vừa qua, gia đình em mắc Covid-19, chỉ còn một mình em ở nhà, phải tự sinh hoạt, tự cách ly, tự lo mọi thứ trong 2 tuần.
Khi hay tin người nhà mất vì bệnh, học sinh này cảm thấy rất tuyệt vọng. Dù là có bạn, nhưng lúc đó em không dám chia sẻ với ai vì sợ mọi người biết nhà em bị dịch bệnh.
Th.S. Phan Thị Cẩm Giang, Giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: “Hiện tại, chúng ta chưa có nghiên cứu, thống kê nào về việc học sinh được chia sẻ hay kỳ thị, bỏ mặc khi bị trầm cảm. Do đó, chúng ta cần phải làm cuộc thống kê về việc này”.
Trong quá trình làm việc tư vấn tâm lý học đường hơn 10 năm qua, bà Giang nhận thấy học sinh thì e ngại, phụ huynh thì không tin hoặc không quan tâm khi con mình bị trầm cảm. Bản thân học sinh cũng chưa nhận thức đầy đủ về sức khỏe tâm thần nên chưa tìm kiếm sự giúp đỡ.
“Trong mỗi gia đình đều có tủ thuốc để chữa cảm cúm, các bệnh thông thường nhưng ít chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần. Ở Việt Nam, hệ thống tham vấn tâm lý lâm sàng chưa bài bản, nhận thức cũng chưa đầy đủ các vấn đề tâm lý nói chung và tâm lý học đường nói riêng.
Khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát thì hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm lý cho người dân mới được quan tâm hơn”, bà Giang đánh giá.