Chưa thống nhất phương án
Giữa tháng 3/2023, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08), Công an Tp.HCM có đề xuất tháo dỡ vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm hay gọi là vòng xoay Điện Biên Phủ, quận 1 vì trật tự an toàn giao thông qua khu vực này.
Theo Phòng PC08, tình trạng giao thông tại vòng xoay Nguyễn Bình Khiêm diễn biến phức tạp. Vào giờ cao điểm, lưu lượng lớn xe cộ đi từ hướng cầu Sài Gòn đến vòng xoay này tăng cao, thường xuyên ùn tắc, kẹt xe. Dòng xe máy, ô tô ken đặc quanh vòng xoay nhích từng chút một khổ sở.
Trong khi đó, tại đây hiện không có đèn tín hiệu giao thông để điều tiết, người dân men theo vòng xoay để rẽ về các hướng.
Trước tình hình này, Phòng PC08 đề xuất đối với vòng xoay này cần nghiên cứu dỡ bỏ vòng xoay, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông. Đồng thời tính toán kéo dài dải phân cách trên tuyến đường Điện Biên Phủ cả hai hướng về phía vòng xoay hạn chế xe máy đi ngược chiều và quay đầu trước vòng xoay.
Liên quan đề xuất này, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT Tp.HCM thông tin, việc mở rộng hay thu hẹp vòng xoay chưa được Sở GTVT thống nhất phương án. Hiện nay, Sở GTVT đang tính toán và chạy mô phỏng giao thông để xem mức độ ảnh hưởng khi thu hẹp hay mở rộng vòng xoay này.
“Mô phỏng như vậy nhưng để áp dụng thực tế cũng cần theo dõi một thời gian xem có ổn hay không, nếu chưa ổn sẽ tiếp tục điều chỉnh”, ông Hưng chỉ ra.
Trong khi đó, ông Ngô Hải Đường,Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT Tp.HCM cho biết, Sở này sẽ thực hiện kéo dài dải phân cách tim đường Điện Biên Phủ vào hướng vòng xoay (vẫn đảm bảo bề rộng cho các phương tiện lưu thông qua vòng xoay) để kéo giảm tình trạng cố tình lưu thông không theo vòng xuyến.
Đồng thời, sẽ thực hiện giai đoạn 2 khi tổ chức một chiều các phương tiện trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm theo hướng từ đường Nguyễn Đình Chiểu đến đường Nguyễn Thị Minh Khai góp phần giảm mật độ phương tiện lưu thông vào vòng.
“Với phương án xóa bỏ vòng xoay, thiết lập nút giao thông và bố trí hệ thống đèn tín hiệu giao thông xanh - vàng - đỏ thì rất khó và cần cân nhắc khi có đầy đủ số liệu và mức độ ảnh hưởng”, ông Đường đánh giá.
Bởi lẽ, dỡ bỏ vòng xoay sẽ hình thành các dòng xe dừng chờ đèn tín hiệu giao thông trên cầu đường Điện Biên Phủ, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường Hoàng Sa (đặc biệt trên đường Điện Biên Phủ có thể kéo dài đến giao lộ Điện Biên Phủ - Đinh Tiên Hoàng do lượng phương tiện thoát không hết trong 1 chu kỳ vào giờ cao điểm).
Cần thêm nhiều ý kiến đa chiều
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc tháo dỡ vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải giải pháp căn cơ. Ông Sơn phân tích, vòng xoay này được xem là cửa ngõ giao thông quan trọng ra vào trung tâm Tp.HCM nhưng hiện chưa được quy hoạch xứng tầm.
Với đặc thù là nơi giao cắt của những trục đường chính xuyên suốt giao thông Tp.HCM như Điện Biên Phủ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đinh Tiên Hoàng... nên lượng xe cộ đổ dồn về sẽ ngày càng lớn.
“Hiện nay, vòng xoay mang lại hiệu quả nhất định trong điều tiết giao thông, giãn dòng xe qua khu vực. Nếu Tp.HCM tháo dỡ vòng xoay, lắp đèn tín hiệu giao thông để thay thế thì hiệu quả chống tắc không cao, chỉ dịch chuyển dòng kẹt xe sang các tuyến đường lân cận hoặc hai bên cầu Điện Biên Phủ”, chuyên gia này nhận định.
Do đó, ông Sơn gợi ý giải pháp ngắn hạn, Sở GTVT Tp.HCM nên giữ lại vòng xoay, đồng thời nghiên cứu lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại đây và một số giao lộ gần đó. Đây là phương án dễ triển khai, ít tốn kém kinh phí nhất. Thời lượng đèn ở mỗi chốt được tính toán và điều chỉnh linh hoạt dựa trên lưu lượng xe, tình trạng giao thông quan sát được.
"Thậm chí, chúng ta ứng dụng khoa học công nghệ mạnh mẽ hơn trong điều chỉnh đèn giao thông. Đơn vị quản lý dựa vào dữ liệu trên hệ thống camera để cài đặt tự động chỉnh số giây đèn giúp các dòng xe qua lại thuận tiện, giảm tối đa ùn tắc giao thông", ông Sơn nói.
Những giải pháp nói trên chỉ có thể giải quyết tạm thời tình trạng giao thông ở khu vực vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm. Còn về lâu dài, Sở GTVT Tp.HCM cần tổ chức nghiên cứu, đánh giá để đưa ra một quy hoạch giao thông bài bản cho toàn khu vực cửa ngõ Tp.HCM này.
Trong đó bao gồm tổ chức, quy hoạch giao thông từ vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm kéo dài đến tận cầu Văn Thánh.
"Khi chúng ta có một quy hoạch giao thông đô thị xứng tầm ở cửa ngõ quan trọng nói trên, các đơn vị mới giải quyết tốt nhất nguy cơ ùn tắc giao thông, tôn tạo được những nét đẹp đô thị sẵn có. Người dân đi lại thuận tiện, tránh lãng phí thời gian, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hơn nữa", ông Sơn chia sẻ.
TS.Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng Tp.HCM cho hay, trước đây Tp.HCM từng cải tạo vòng xoay này theo hướng tổ chức trộn dòng xe giảm giao cắt. Tuy nhiên, do lượng xe nhiều và người dân không tuân thủ luật lệ nên phương án này không hiệu quả.
Trải qua thời gian, tình hình giao thông ở khu vực vòng xoay Điện Biên Phủ ngày càng phức tạp, lượng xe đổ về càng nhiều tăng nguy cơ ùn tắc. Do đó, việc bổ sung đèn tín hiệu giao thông tại đây là cần thiết.
“Sở GTVT Tp.HCM có thể thử nghiệm lắp đèn giao thông, tính toán thời gian đèn hợp lý để xem hiệu quả như thế nào. Hiện, phương án dùng đèn tín hiệu tổ chức giao thông đã mang lại hiệu quả giảm kẹt xe ở những điểm hay ùn tắc như khu vực tượng đài An Dương Vương, quận 5”, ông Cương nêu ý kiến.
Về đề xuất tháo dỡ vòng xoay, TS.Võ Kim Cương cho rằng cần nghiên cứu, tham khảo ý kiến từ các nhà quy hoạch, chuyên gia giao thông để có đánh giá đa chiều. Nguyên lý giao thông thì vòng xoay cũng góp phần giãn dòng xe, kéo dài thời gian qua giao lộ để các dòng xe không xung đột với nhau, giảm ùn tắc giao thông.