Sáng nay 11/12, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Long An, Tổ điều hành 970 tổ chức hội thảo trực tuyến kết nối nông sản nhằm thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản, đặc sản của tỉnh Long An với các doanh nghiệp phân phối tiêu thụ nông sản, thực phẩm trên cả nước.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết: Với khoảng 300.000 ha đất nông nghiệp, lúa vẫn là nông sản chính của Long An, sản lượng khoảng 2,9 triệu tấn/năm, trong đó có 1,6 triệu tấn lúa chất lượng cao. Ngoài lúa, Long An còn sản lượng lớn về rau (200.000 tấn), 330.000 tấn thanh long, khoai mỡ khoảng 47.000 tấn.
Về chăn nuôi, Long An có khoảng 9 triệu con gia cầm, lợn 85.000 con, và hơn 40 cơ sở giết mổ. Về thủy sản, sản lượng của tỉnh khoảng 72.000 tấn, trong đó tôm nước lợ 15.000 tấn. Long An có nhiều đặc sản, được ưa chuộng, có khả năng cạnh tranh cao, tạo được chỗ đứng trên thị trường như gạo nàng thơm Chợ Đào, dưa hấu Long Trì, thanh long Châu Thành, đậu phộng Đức Hòa... Thời gian qua, một số nông sản có thế mạnh của Long An bị ảnh hưởng bởi dịch: đầu ra thiếu ổn định, xuất nhập khẩu khó khăn vì hàng rào kỹ thuật, chi phí logistics tăng. Bên cạnh đó, hoạt động chăn nuôi có thể gặp khó khăn trong đợt tết do người dân hiện không mặn mà tái đàn.
Về phía đầu mối tiêu thụ lớn nhất cả nước là Tp.HCM, ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NN&PTNT Tp.HCM cho biết: Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ nông sản của người dân thành phố bình quân hơn 8.200 tấn/ngày (tương đương 250.000 tấn/tháng). Trong đó, rau củ quả hơn 4.200 tấn/ngày (127.000 tấn/tháng); gạo khoảng 2.000 tấn/ngày (60.000 tấn/tháng); thịt gia súc gần 1.000 tấn/ngày (30.000 tấn/tháng); thịt gia cầm 20.000 tấn/tháng, thủy sản 430 tấn/ngày (13.000 tấn/tháng). Tuy nhiên, sản lượng sản xuất của Tp.HCM chiếm tỉ trọng nhỏ so với nhu cầu tiêu thụ của người dân thành phố, phần lớn sản phẩm nông sản người dân sử dụng được nhập từ các tỉnh thành. Hiện tại Tp.HCM tự sản xuất được hơn 55.000 tấn/tháng, đáp ứng được 20 - 25% nhu cầu tiêu thụ. Trong đó, rau củ quả khoảng 51.000 tấn/tháng (đáp ứng được gần 40%); gạo 4.600 tấn/tháng (đáp ứng 8%); Thịt gia súc hơn 3.800 tấn/tháng (đáp ứng 13%), thịt gia cầm 230 tấn (đáp ứng 1%) so với nhu cầu tiêu thụ.
Đặc biệt, nhu cầu về lượng hàng hóa phục vụ cho Tết Nguyên đán năm nay rất lớn, nhất là sản phẩm gia súc gia cầm. Hiện, tổng đàn heo khoảng 27.000 con, mới chỉ đáp ứng được hơn 10% so với nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán, gần 90% phải nhập từ các tỉnh về. Tổng đàn gia cầm 243.000 con, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo nhu cầu thịt heo tăng 30 - 70%, thịt gia cầm tăng 12 - 14%, thịt trâu bò tăng 40 - 60%...
Trên cơ sở đó, ông Hiệp bày tỏ mong muốn, trong bối cảnh Tp.HCM chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 trong giai đoạn vừa qua, khả năng tự sản xuất sụt giảm, nên rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ của các tỉnh phía nam nói chung, nhất là Long An là tỉnh giáp ranh trong việc đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho người dân thành phố. Bên cạnh đó, thành phố có hệ thống phân phối hàng hóa phong phú, các chợ truyền thống đã mở lại gần hết, các điểm tập kết hàng hóa từ các tỉnh về vẫn được duy trì và hoạt động ổn định. Do đó, TP.HCM phố sẽ hỗ trợ cho tất cả doanh nghiệp, nhất là chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu hoạt động thuận lợi, tháo gỡ những khó khăn, không để xảy ra tình trạng đứt gãy, vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch….
Dự báo sức mua của người dân Tp.HCM giảm so với mọi năm
Trong khi nguồn hàng từ các tỉnh vẫn đổ về Tp.HCM và đang tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ trong dịp cuối năm thì các nhà bán lẻ ngần ngại hơn trong việc thu mua hàng hóa. Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến sức mua của thị trường khó bùng nổ trong dịp Tết này. Tuy vậy, tính đến cuối ngày 2/12, vẫn có 559 giao dịch thành công cho thấy nhu cầu tìm kiếm sản phẩm Tết của nhà bán lẻ vẫn rất cao.
Bà Nguyễn Thị Hường - đại diện phòng giao dịch nhà cung cấp của Saigon Co.op - cho biết trong nửa ngày kết nối đơn vị đã làm việc với hơn 20 nhà cung cấp đến từ nhiều tỉnh thành, trong đó đa số là các đơn vị cung ứng thực phẩm. Theo bà Hường, dự đoán năm nay sức mua Tết sẽ giảm nhiều nên đơn vị tập trung hơn vào việc thu mua, tìm kiếm đối tác cung ứng dòng sản phẩm thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu, hàng phòng chống dịch Covid-19.
Trong khi đó, đại diện Central Retail cho biết đã làm việc với nhiều nhà cung cấp, đặc biệt là hàng tiêu dùng chiếm đại đa số nên rất phù hợp với định hướng của đơn vị. "Hiện cường độ sản xuất của nhiều doanh nghiệp đã phục hồi khá tốt, đủ cơ sở để đáp ứng được tiêu chuẩn sản lượng hàng hóa gia tăng cuối năm mà hệ thống đưa ra" - vị này cho biết.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công thương Tp.HCM, để chuẩn bị cho hàng hóa Tết năm nay, TP đã và sẽ làm việc với các tỉnh thành nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cho mua tiêu dùng với giá cả ổn định, thậm chí khuyến mãi kéo dài, người dân có thể yên tâm mua sắm. "Nhu cầu tiêu dùng của người dân TP dịp Tết năm nay khả năng giảm so với các năm do ảnh hưởng dịch Covid-19. Do đó, TP khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu, phân khúc giá tốt tham gia hội nghị, cũng như đẩy mạnh nguồn cung cho TP từ đây đến cuối năm" - ông Vũ thông tin.
Hương Anh (tổng hợp)