Sáng 30/1 (ngày 28 Tháng Chạp), Thành ủy Tp.HCM tổ chức họp mặt các cá nhân, đơn vị tiêu biểu tham gia vận chuyển cấp cứu người bệnh Covid-19. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo Thành phố này chủ trì buổi họp mặt.
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Tp.HCM phát biểu: “Trong thời gian dịch Covid-19 cao điểm tại Tp.HCM vừa qua, nhiều mô hình vận chuyển, cấp cứu đã liên tiếp ra đời. Chúng ta có thể hình dung và cảm thấu được nghề lái xe quan trọng như thế nào trong cuộc sống. Đặc biệt, trong những lúc khó khăn hiểm nghèo của đại dịch”.
“Mỗi tình huống là một câu chuyện về tình người, một thử thách nghiệt ngã với lòng trắc ẩn và một cách ứng xử giữa lằn ranh sinh tử. Nhưng với đạo đức nghề nghiệp, với lương tâm và bổn phận làm người, mà bao người chiến sĩ lái xe đã không hề do dự. Họ đã chọn lựa sự mạo hiểm, có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào”, Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá.
Có nhiều người không may bị phơi nhiễm, sau khi điều trị đã xin trở lại tiếp tục ngồi sau tay lái, tiếp tục âm thầm, cùng đoàn quân có mặt khắp nẻo đường, trên từng cây số, lặng lẽ suốt ngày đêm.
“Họ đã thức trắng sâu đêm. Họ đã ghì chặt vô lăng, đã có giọt nước mắt xen lẫn mồ hôi, ướt đẫm bộ đồ bảo hộ. Họ đã sống vì người khác. Họ là những người bình thường nhưng đã có suy nghĩ và hành động rất phi thường”, Bí thư Thành ủy Tp.HCM chia sẻ.
Chính vì thế, “Đảng bộ và nhân dân Tp.HCM trân trọng tri ân tất cả các chiến sĩ lái xe kiên cường, quả cảm, đã cống hiến và góp phần rất quan trọng trong cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19 vừa qua”.
Bí thư Nguyễn Văn Nên thay mặt cho hàng trăm ngàn gia đình bị mắc Covid-19, tỏ lòng biết ơn các chiến sĩ dũng cảm đã nỗ lực tối đa để bằng mọi cách sẻ chia, hỗ trợ, cứu giúp mình và người thân của mình trong cơn hoạn nạn, hiểm nghèo.
“Khi chúng ta tìm được những giây phút bình yên, khi tiếng còi cấp cứu không còn là nỗi ám ảnh đối với chúng ta nữa, thì chúng ta càng nhớ công ơn những người đã giúp thành phố vượt qua những ngày tháng cam go, thử thách”, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Từng “giấu vợ” việc tham gia vận chuyển F0, anh Đặng Xuân Tùng, tài xế taxi Mai Linh cho biết: “Lúc đầu tôi cũng cảm thấy lo lắng vì mới tiêm vắc-xin mũi 1 được 2 ngày thì xông vào “trận tuyến” từ tháng 7/2021. Ròng rã 3 tháng trời mặc đồ bảo hộ kín mít nên mất nước rất nhiều; trong thời gian đó hầu như không có đêm nào ngủ ngon”.
Trong khi đó, anh Lê Tấn Sang, sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành Bác sĩ đa khoa, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhớ lại thời gian tăng cường hỗ trợ cấp cứu người bệnh.
Một đêm khuya đi tới nhà cấp cứu bệnh nhân Covid-19 đang chuyển nặng, trong lúc chờ điều phối từ Trung tâm cấp cứu 115 bố trí đưa tới bệnh viện phù hợp, thì thấy người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng nên chủ động dùng phương tiện đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Chợ Rẫy.
“Khi vào đến bệnh viện, bằng kinh nghiệm ít ỏi của một sinh viên, tôi đánh giá tình hình người bệnh rất xấu, khó qua khỏi. Sáng hôm sau, người nhà nhắn một tin nhắn dài, cảm ơn vì đã hỗ trợ gia đình và thông báo bệnh nhân qua đời. Tuy biết trước tình hình và cũng đã nỗ lực hết mình, nhưng vẫn cảm thấy rất buồn…”, anh Lê Tấn Sang bồi hồi.
Trong thời gian đợt dịch thứ tư bùng phát tại Tp.HCM, nhiều mô hình vận chuyển, cấp cứu đã liên tiếp ra đời như mô hình tình nguyện hỗ trợ cấp cứu chuyển viện bằng taxi của Công ty CP tập đoàn Mai Linh, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam, Công ty CP xe khách Phương Trang, Tập đoàn Hoàn Mỹ, Cấp cứu 115 Xuyên Việt, 115 Sài Gòn,..bên cạnh những nhóm thiện nguyện như Trao oxy, Biệt đội oxy, Bệnh viện tại nhà, Oxy Sài Gòn…