Xin tài trợ
Theo nguồn tin PV báo Người Đưa Tin nắm được, một cuộc họp ban Đại diện Phụ huynh của trường THPT Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) đã được tổ chức nhằm bàn các biện pháp ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới và tính đến chuyện kêu gọi tài trợ cho các tiết không nằm trong chương trình chính khóa.
Trao đổi với PV sáng 20/3, ông Phạm Văn Nghĩa, Hiệu trưởng trường THPT Thủ Thiêm cho biết: “Ngày 12/3, nhà trường tổ chức họp ban Đại diện Phụ huynh các lớp khối 12 để thông báo kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT của các em. Việc ôn thi sẽ kéo dài khoảng 7 tuần, từ 1/5 đến 17/6. Bắt đầu từ tháng 5, mỗi tuần đối với các lớp tự nhiên sẽ có 16 tiết, lớp xã hội là 15 tiết, "nghĩa vụ" (bắt buộc-PV) theo phân phối chương trình học của bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Ông Nghĩa giải thích thêm: “Còn về buổi học phụ đạo, từ trước đến giờ áp dụng là mỗi lớp có 9 tiết và phí học mà phụ huynh đang đóng là 300.000 đồng/tháng. Đến 27/5 sẽ hết số tiết "nghĩa vụ", lúc này, giáo viên cũng đã hết “nghĩa vụ” rồi. Đến tháng 6 sẽ chỉ ôn thôi, thời lượng là 3 tuần. Sở dĩ, chúng tôi phải tách tiết ôn là để phân biệt đâu là tiết phải học (bắt buộc) và đâu là tiết ôn (không bắt buộc)”.
“Ngoài 40 tiết tổng cộng nói trên, nhà trường còn tiến hành phụ đạo cho học sinh mà không có bất cứ đòi hỏi nào đối với phụ huynh và việc này đã làm từ tháng 11/2016 cho đến thời điểm này. Nếu em nào học 6 môn đều yếu kém, các em được học thêm 12 tiết miễn phí. Tất cả giáo viên đều phải có trách nhiệm dạy 2 tiết phụ đạo. Quyền lợi của học sinh là được học đầy đủ 40 tiết nói trên và 12 tiết phụ đạo”, ông Nghĩa nói tiếp.
Về tiền tài trợ, ông Nghĩa khẳng định: “Một nội dung nữa mà tôi có trao đổi với ban Đại diện Phụ huynh là kêu gọi tài trợ cho việc ôn tập nói trên, nhưng với tinh thần là hoàn toàn tự nguyện, không ép buộc ai cả. Đồng thời, chúng tôi cũng xác định đã là tài trợ thì sẽ không đồng đều, ai có ít thì tài trợ ít, có nhiều tài trợ nhiều, không giới hạn. Tuy nhiên, điều quan trọng chính là những em mà phụ huynh không tài trợ thì vẫn được học bình thường như các em học sinh khác, không có sự phân biệt".
Hủy tài trợ
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi cũng đã phỏng vấn ngẫu nhiên một số phụ huynh ngay trước cổng trường vào trưa ngày 17/3. Hầu hết phụ huynh đều cho biết, vấn đề ôn thi cho các em là do phụ huynh đề xuất với nhà trường.
Bà N.T.T., một phụ huynh đang có con học lớp 12 tại trường cho biết: “Sau khi thống nhất việc ôn thi và các khoản chi phí liên quan, nhà trường đã thông báo cụ thể đến phụ huynh. Nếu phụ huynh nào đồng ý thì đóng tiền cho con em học, không bắt buộc phải thực hiện. Tuy nhiên, em nào không đóng vẫn được học bình thường”.
Một phụ huynh khác đề nghị giấu tên cũng cho biết: “Về mức phí cho toàn bộ khóa ôn thi cũng chỉ hơn 2 triệu đồng, thấp hơn năm ngoái rất nhiều, năm ngoái lên trên 4 triệu đồng. Tuy nhiên, đây là việc tự nguyện, ai có thì đóng, còn không, các cháu vẫn được học bình thường”.
Trao đổi với PV, ông Bùi Kim Châu, Hội trưởng Hội cha mẹ học sinh trường THPT Thủ Thiêm cũng xác nhận, hoàn toàn không có chuyện trường ép phụ huynh phải đóng tiền cho con ôn thi. Ông Châu trình bày thêm: “Sự việc là như thế này, năm nào cũng vậy, sắp đến kỳ thi tốt nghiệp, các bậc phụ huynh muốn cho con em mình chắc chắn hơn về kiến thức nên đề nghị nhà trường ôn tập thêm. Đương nhiên, họ sẽ trả thêm kinh phí cho việc đó trên tinh thần tự nguyện, không ai ép buộc”.
Ông Châu còn cho biết thêm: “Sở dĩ có việc ôn tập là do hết chương trình ôn tập chính khóa, còn lại tới 1 tháng nữa thì con họ sẽ ôn thi ở đâu, trong khi việc dạy thêm, học thêm là trái với chủ trương của thành phố. Vì thế, họ yêu cầu nhà trường thực hiện việc ôn thi, đồng thời hỗ trợ kinh phí để giáo viên thực hiện việc này, chứ không liên quan tới lãnh đạo nhà trường”.
Về việc kêu gọi tài trợ, để tránh những dị nghị không tốt, ông Nghĩa chia sẻ: “Tôi đã thống nhất với chi bộ và liên tịch mở rộng là kế hoạch ôn đã cam kết với phụ huynh sẽ vẫn tiếp tục thực hiện, tất cả vì học sinh. Còn nhận tài trợ từ phụ huynh sẽ hủy, tùy ban Đại diện Phụ huynh tự tổ chức bồi dưỡng trực tiếp cho giáo viên ôn tập, lãnh đạo nhà trường không can thiệp”.
Ông Nghĩa cho hay: “Trước năm học 2015- 2016, trường chỉ có 91% học sinh đỗ tốt nghiệp, thấp hơn so với mặt bằng chung các trường trong thành phố. Tuy nhiên, đến năm 2015-2016, trường đạt 98,43% học sinh đỗ tốt nghiệp, cao hơn đáng kể so với năm trước đó và vượt chỉ tiêu chung (95,39%)”.
"Đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã thông báo kế hoạch ôn thi và chi phí ôn thi tốt nghiệp nhưng vẫn chưa tiến hành triển khai, thu tiền tài trợ. Dù vậy, một số thông tin vẫn xuyên tạc, cho rằng nhà trường “móc túi” phụ huynh với giá “cắt cổ”, cao hơn cả luyện thi ở các trung tâm bên ngoài là điều hoàn toàn bịa đặt”, ông Nghĩa bức xúc nói. |
Thanh Tùng - Thu Huế