Tp.HCM: Tư vấn tâm lý học đường, có không “khoảng trống” chất lượng?

Tp.HCM: Tư vấn tâm lý học đường, có không “khoảng trống” chất lượng?

Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

Thứ 4, 15/02/2023 08:09

Được thực hiện từ nhiều năm qua, thế nhưng, khâu tư vấn tâm lý cho học sinh tại Tp.HCM vẫn loay hoay để có hiệu quả thực sự.

Thiếu nhân sự lẫn chuyên môn

Nhiều năm nay, Trường THCS Lương Định Của, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM dành một góc riêng tại tầng 1 tòa nhà giáo viên để làm công tác tư vấn tâm lý học đường cho học sinh.

Theo chia sẻ của bà Vũ Thị Minh Hiếu, Phó Hiệu trưởng nhà trường, học sinh phổ thông là lứa tuổi có đặc điểm tâm sinh lý phát triển mạnh. Vì vậy, khi đối mặt với sang chấn tâm lý, căng thẳng trong học tập, quan hệ gia đình và xã hội, các em dễ có hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến việc học tập, rèn luyện và hòa nhập cuộc sống.

Do đó, công tác tư vấn tâm lý học đường của trường học do tổ tư vấn đảm nhiệm, gồm 14 thành viên là đại diện ban giám hiệu, thầy cô chủ nhiệm, giáo viên bộ môn có năng lực tư vấn và cả đại diện phụ huynh nhà trường.

“Thành viên trong tổ tư vấn đã hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống, tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, có thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội và hoàn thiện nhân cách. Từ đó, giúp học sinh có hướng giải quyết phù hợp vấn đề xảy ra trong học tập và cuộc sống”, bà Hiếu cho hay.

Tại Trường THCS An Lạc, quận Bình Tân, ban tư vấn tâm lý có 3 thành viên gồm: cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác chủ nhiệm và giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý học đường, đồng thời cũng thực hiện giảng dạy theo chuyên môn được đào tạo. Trong đó, giáo viên kiêm nhiệm sẽ được giảm số tiết dạy để thực hiện công tác.

Theo ông Phùng Minh Vương, Hiệu trưởng Trường THCS An Lạc, ban tư vấn tâm lý học đường được nhà trường cử tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn do Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM tổ chức. Công tác tư vấn tâm lý học đường đã hỗ trợ, giúp đỡ học sinh gặp khó khăn trong học tập, tư vấn cho học sinh vượt qua các trở ngại về mặt tâm lý ở tuổi dậy thì.

Tuy nhiên, hoạt động của ban tư vấn tâm lý học đường sẽ đạt hiệu quả hơn nếu có 1 giáo viên được đào tạo đúng chuyên môn. Những năm qua, trường đã thực hiện tuyển dụng vị trí giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý học đường nhưng chưa tuyển dụng được do không có ứng viên ứng cử.

Cách đây vài năm, Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 11 từng có nhân viên tư vấn tâm lý học đường chuyên trách. Nhưng vì không có quy định về chức danh nghề nghiệp cho vị trí này trong trường học, thu nhập lại thấp nên nhân viên đã xin nghỉ. Hiện tại, công việc tư vấn tâm lý cho hơn 1.600 học sinh đang được giáo viên Tổng phụ trách Đội kiêm nhiệm.

“Dù vẫn hỗ trợ những khó khăn mà HS mắc phải, song vì nhân sự chỉ kiêm nhiệm nên công tác tư vấn tâm lý chưa được chuyên sâu, bài bản, đa phần mới chỉ dừng lại ở lắng nghe mà không có hướng tháo gỡ cụ thể trong từng trường hợp”, bà Nguyễn Thị Linh Trang – Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Câu hỏi chất lượng chuyên gia tâm lý

Theo đánh giá của Th.S Phan Thị Cẩm Giang, trong nhà trường, tổ tư vấn tâm lý có vai trò quan trọng nhưng phải xem người hỗ trợ công tác tư vấn tâm lý là ai và có nắm được các nhiệm vụ tư vấn tâm lý học đường hay không. Đặc biệt, những người được giao phụ trách công tác tư vấn có hiểu được đặc điểm tâm lý lứa tuổi và bản chất tham vấn tâm lý học đường cũng như kỹ thuật để hỗ trợ hay không.

“Hiện, nhiều trường đại học đào tạo ngành tâm lý học, cũng có ngành tâm lý học trường học, tuy nhiên thực sự vẫn chưa đi sâu vào thực hành. Vì vậy, có tình trạng thành viên tổ tư vấn tâm lý học đường không biết cách lập một ca tư vấn, tham vấn như thế nào hay không biết sử dụng liệu pháp ra sao.

Bên cạnh đó, nhiều nhà trường không có công cụ, dụng cụ để tư vấn tham vấn. Vì vậy, trường học phải tạo điều kiện để người làm công tác tư vấn tâm lý được cập nhật kiến thức, kỹ năng cũng như tự học để nâng cao chuyên môn”, bà Giang chia sẻ.

Giáo dục - Tp.HCM: Tư vấn tâm lý học đường, có không “khoảng trống” chất lượng?

Công tác tư vấn tâm lý cho học sinh cần đi vào hiệu quả để kịp thời nắm bắt những xáo trộn trong đời sống của lứa tuổi dậy thì.

Một thực trạng mà TS.Huỳnh Văn Chẩn, Trưởng Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Tp.HCM), Phó Chủ tịch hội Tâm lý học Việt Nam băn khoăn là phòng tư vấn học đường đa số chưa đủ chuẩn.

“Đội ngũ giáo viên đóng học phí 3 triệu đồng, đào tạo chỉ 3 ngày là được cấp chứng chỉ chuyên viên tư vấn tâm lý. Việc đào tạo chỉ mang tính thương mại, hỏng về mặt tâm lý, không thể tư vấn được. Thậm chí nếu không khéo, sẽ rất ảnh hưởng đến trẻ”, ông Chẩn nói.

Còn đối với Th.S Đinh Quỳnh Châu, Trưởng bộ môn Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM, công tác tham vấn đòi hỏi người phụ trách phải có kiến thức sâu, bề dày kinh nghiệm và kỹ năng xử lý các tình huống nhuần nhuyễn...

“Sau các khóa học, nếu không được bổ sung, cập nhật, rèn luyện thì kiến thức, kinh nghiệm và các kỹ năng sẽ khó thích ứng với môi trường sống đầy biến động như hiện nay. Do đó, xây dựng một phòng tư vấn tâm lý học đường không phải chỉ là mở cái phòng, cử giáo viên phụ trách, đảm bảo kín giờ, kín người trực là đủ”, bà Châu chỉ ra.

Phòng tư vấn, tham vấn được dựng lên không chỉ chú trọng diện tích, nội thất, mà còn là vị trí sao cho học sinh giáo viên và cán bộ trong trường thoải mái bước vào đó để chia sẻ vấn đề của mình. Muốn vậy, phải thay đổi cách tổ chức, phải thật sự đầu tư cho hoạt động tư vấn, tham vấn tâm lý học đường, mà trước nhất phải bắt đầu từ con người và sự hỗ trợ, đồng cảm từ chính ban giám hiệu.

Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM khẳng định, vai trò của tư vấn tâm lý học đường là rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh học sinh tiếp xúc nhiều với mạng xã hội. Thế nhưng, nhân viên tâm lý học đường trong trường học đang rất thiếu và yếu do quy định của Bộ GD&ĐT chưa có chức danh nghề nghiệp riêng biệt cho vị trí này mà chỉ là kiêm nhiệm.

Sở này đã đề xuất UBND Tp.HCM, HĐND Tp.HCM xây dựng chính sách đặc thù cho vị trí nhân viên tâm lý và nhân viên y tế học đường nhằm hỗ trợ các trường thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần học sinh.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.