Vừa qua, UBND TP.HCM chỉ đạo sở GTVT, sở Quy hoạch Kiến trúc, sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, quy hoạch, bổ sung các bãi đậu xe ngầm. Bởi nhu cầu sử dụng ô tô của người dân ngày càng gia tăng, nhu cầu tìm chỗ đậu xe ngày càng nhiều nên việc đẩy mạnh xây bãi đậu xe ngầm là hết sức cần thiết.
Liên quan đến vấn đề này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã trao đổi với TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch hội Tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý TP.HCM.
TS. Phúc cho biết: “Năm 1998, TP.HCM đã có chủ trương làm hầm chứa xe. UBND TP.HCM công bố 8 địa điểm cho các nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng dự án hầm chứa xe. Năm 2005, UBND TP.HCM đã chính thức phê duyệt dự án xây dựng hầm dưới lòng đất tại công trường Lam Sơn (khu vực phía sau Nhà hát lớn TP.HCM) của công ty Đông Dương”.
“Theo đó, đầu năm 2006, công ty TNHH Đông Dương đã ký kết hợp đồng với viện EEI (viện Điện - Điện tử - Tin học - PV) về thiết kế và lắp đặt Mô hình hệ thống tầng hầm chứa xe ô tô tự động. Giữa năm 2006, mô hình đã hoàn thiện, được trình lên các cơ quan hữu quan và trưng bày biểu diễn tại rất nhiều triển lãm. Đến cuối năm 2006, công ty TNHH Đông Dương đã trình đầy đủ hồ sơ xin cấp phép xây dựng lên UBND TP.HCM”.
“Tuy nhiên, thành phố lại không chấp thuận với lý do công trình này sẽ gây ảnh hưởng đến công trình Metro sẽ xây dựng. Lúc này, UBND TP.HCM quyết định cho công ty TNHH Đông Dương xây dựng hầm giữ xe tại công viên sân khấu Trống Đồng (góc đường Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Du). Tuy nhiên, công ty TNHH Đông Dương lại thấy diện tích khu vực nhỏ quá, không thể làm được”, TS. Phúc chia sẻ.
Theo TS. Phúc: “Năm 2008, UBND TP.HCM phê duyệt dự án xây dựng hầm giữ xe ở công viên Lê Văn Tám. Dự án này dự kiến sau khi xây dựng xong nhiều tầng hầm, công viên sẽ được khôi phục như cũ. Đến năm 2009, dự án này được bán lại cho công ty Đầu tư Mạo hiểm. Công ty Đầu tư Mạo hiểm đã có rất nhiều hoạt động tích cực, có rất nhiều cố gắng. Dù vậy, cho đến năm 2016, đã 8 năm trôi qua nhưng vẫn chưa thấy “động tĩnh” nào trong việc cấp phép đầu tư. Gần đây, dự án này đã được thành phố phê duyệt và bắt đầu thực hiện lại”.
“Như vậy, từ năm 1998 đến nay đã 19 năm nhưng việc xây dựng hệ thống hầm chứa xe vẫn chưa có một bước tiến nào. Lý do? Có lẽ vì thiếu vốn. Cho nên, để xây dựng hầm chứa xe, chúng ta phải có nguồn vốn. Mà vốn ở đâu ra lại là vấn đề nan giải. Ngoài ra, theo tính toán của chúng tôi, nếu xây dựng hầm chỉ để giữ xe thì chắc chắn sẽ lỗ. Vì thế, xây dựng hầm chứa xe là buộc phải xây thêm một số tầng hầm để kinh doanh dịch vụ, thương mại, giải trí,… thì mới có thể bù lỗ cho các tầng hầm chứa xe”, Chủ tịch hội Tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý TP.HCM nói.
PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết: “Hiện nay, đất nước càng phát triễn, dân số ngày càng đông, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao khiến cho việc xây dựng bãi giữ xe ngầm là hết sức cần thiết. Trước đây, chúng ta đã từng đưa ra kế hoạch xây dựng tầng hầm để giữ xe nhưng không làm được. Đến nay, cùng với việc lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, việc này lại càng trở nên cấp thiết hơn”.
“Tuy nhiên, trước khi làm, chúng ta cần phải tính toán kỹ, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư. Cá nhân tôi thấy, việc xây dựng tầng hầm làm bãi giữ xe khá đắt đỏ, tốn rất nhiều kinh phí. Vì thế, khi chưa có nguồn vốn, chúng ta có thể xây dựng nhiều bãi giữ xe nổi theo mô hình giống bãi giữ xe ở sân bay Tân Sơn Nhất. Vừa tiết kiệm kinh phí lại có thẩm mỹ. Tuy nhiên, bãi giữ xe nổi cần phải có quy hoạch kỹ càng, lắp ghép quỹ đất trống của từng dự án một cách khéo léo,…”, PGS.TS Hòa bày tỏ thêm.
Lành Nguyễn - Dương Hạnh