Số ca chuyển nặng tăng so với cùng kỳ
Ngày 29/4, trao đổi với Người Đưa Tin, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Tp.HCM Lê Thiện Quỳnh Như cho hay, tính đến giữa tháng 4, Tp.HCM đã ghi nhận hơn 4.500 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 109 ca nặng đang được điều trị tại các bệnh viện.
Đây là số liệu báo động, bởi năm 2019 dù có hơn 20.000 ca mắc, số ca bệnh nặng chỉ có 38 ca. Như vậy, có thể nói, số ca mắc của năm 2022 đang tăng và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021. Đại diện Sở Y tế Tp.HCM cũng cho biết, dự báo tình hình dịch sốt xuất huyết sẽ có diễn biến phức tạp trong năm nay.
Để sẵn sàng ứng phó dự báo này, ngành y tế đã có một số giải pháp như chỉ đạo các Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Tp.HCM và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM triển khai tập huấn nhắc lại cho các cơ sở y tế công, tư trên địa bàn, đảm bảo các nhân viên y tế được cảnh báo, nhận diện sớm loại bệnh này, tránh bỏ sót gây chậm trễ trong quá trình điều trị.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Tp.HCM đề nghị UBND các quận, huyện, Tp.Thủ Đức triển khai các biện pháp phòng sốt xuất huyết, tăng cường hoạt động truyền thông đến từng người dân và có biện pháp xử phạt các đối tượng không thực hiện các biện pháp chống dịch.
Ngoài ra, Sở Y tế Tp.HCM cũng sẽ tham mưu UBND Tp.HCM chỉ đạo hoạt động phối hợp từ các Sở, ngành đến UBND các quận, huyện để cả hệ thống chính trị cùng tham gia ứng phó với diễn biến của dịch bệnh sốt xuất huyết.
Theo báo cáo của Viện Pasteur Tp.HCM, tính đến tuần 16 năm 2022, dịch sốt xuất huyết tại các địa phương phía Nam giảm 23% số ca mắc/100.000 dân so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, số ca bệnh nặng và tử vong tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.
Một số tỉnh, thành nằm trong danh sách tăng nhanh tỉ lệ dịch sốt xuất huyệt nặng gồm: Khu vực Đông Nam Bộ (Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương), Tây Nam Bộ (Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long, Tiền Giang).
Theo ước tính, trong các tháng sắp tới, dịch sốt xuất huyết có nguy cơ tăng cao tại Tp. HCM. Do đó, Viện Pasteur Tp.HCM đã đưa một số các giải pháp cần thực hiện như ra quân chiến dịch diệt lăng quăng đồng loạt và duy trì hàng tuần, phun chủ động/dập dịch khi thỏa đủ điều kiện, kiểm tra và giám sát thường xuyên,…
Sốt xuất huyết dễ nhầm với sốt siêu vi, Covid-19
Bệnh sốt xuất huyết nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì hầu hết diễn tiến thuận lợi, ít có trường hợp tử vong.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, số ca tử vong do sốt xuất huyệt có khả năng gia tăng khi bệnh nhân thường có tâm lý lo ngại đến bệnh viện dẫn đến việc chậm trễ điều trị.
Vì vậy các phụ huynh cần lưu ý khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh như sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm các dấu xuất huyết như chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi, … thì cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và được điều trị kịp thời.
Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức nhiễm & Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, sốt xuất huyết thường kéo dài trong 7 ngày. Tuy nhiên, triệu chứng sốt trong những ngày đầu dễ khiến bố mẹ nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm họng, sốt siêu vi hay mắc Covid-19.
“Bên cạnh 90% các ca sốt xuất huyết thường đơn giản, khoảng một tuần là khỏi, thì 10% còn lại là các ca chuyển nặng. Chủ yếu là nhóm trẻ thừa cân béo phì hay mắc các bệnh nền như tim mạch, não, phổi, thận, thậm chí là trường hợp hậu Covid-19”, bác sĩ Đỗ Châu Việt nói.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Tp.HCM cho biết, sau khi bị muỗi đốt khoảng 1 – 2 tuần, người mắc bệnh có biểu hiện sốt. Bệnh diễn tiến theo 3 giai đoạn. Giai đoạn sốt khi người bệnh sốt có thể nhẹ hoặc sốt cao, đáp ứng với thuốc hạ sốt kém khiến phụ huynh sẽ rất lo lắng.
Sau 3 ngày sốt thì nhiệt độ sẽ giảm, kèm theo có triệu chứng nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ, đau sau hốc mắt, có thể ửng đỏ da…
Giai đoạn nguy hiểm là sau 3 ngày sốt, nhiệt độ giảm dần. Một số trường hợp thấy khoẻ hơn, tuy nhiên có một số trường hợp mặc dù giảm sốt nhưng mệt mỏi hơn, cảm giác đầy bụng, khó tiêu, đau vùng bụng bên phải, buồn nôn và nôn sau ăn uống.
Nặng hơn nữa là có biểu hiện chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ra máu kinh bất thường, ói ra máu, tiêu phân có máu, tay chân lạnh, nổi bông, sốc và truỵ tim mạch.
Đến giai đoạn hồi phục từ ngày thứ 6 trở đi, trẻ tỉnh táo hơn, ăn ngon miệng, thèm ăn, da nổi những mảng đỏ hồi phục, ngứa.