Bất cập tuyển giáo viên cho các trường
Bước vào thời gian tuyển sinh đầu cấp cho năm học mới, đại diện nhiều phòng GD&ĐT tại Tp.HCM cho biết, các địa phương luôn trong tình trạng thiếu giáo viên hằng năm, dù tuyển dụng nhiều đợt nhưng vẫn không đủ. Không những thế, các địa phương còn phải đối diện tình trạng giáo viên đang dạy ở quận này nghỉ việc vì trúng tuyển ở quận khác.
Là địa phương có dân số cơ học tăng cao và áp lực về nguồn nhân lực, đại diện Phòng GD&ĐT Tp.Thủ Đức, Tp.HCM cho biết, đối với thực tế lực lượng giáo viên triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tại địa phương, năm học 2022-2023, Tp.Thủ Đức cần tuyển 1.400 giáo viên từ bậc mầm non cho đến THCS. Tuy nhiên, sau 2 đợt thì mới tuyển được 50% nhu cầu này.
Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trường phòng GD&ĐT Tp.Thủ Đức nói: “Với 2 môn tích hợp mới ở bậc THCS, nhất là với môn khoa học tự nhiên, kiến thức lớp 6, lớp 7 còn khá cơ bản nhưng đến lớp 8 bắt đầu có sự phức tạp. Do vậy, chúng tôi đề xuất có thêm khóa bồi dưỡng ngắn hạn cho giáo viên môn tích hợp”.
Những môn học còn cần tuyển giáo viên là lịch sử-địa lý, tự nhiên xã hội, tiếng Anh bậc tiểu học. Chính vì vậy, ông Vĩnh Nguyên đề xuất thành phố mở lớp bồi dưỡng cho những giáo viên đơn môn sau thời gian nghỉ muốn quay trở lại với ngành giáo dục để tăng nguồn tuyển giáo viên dạy môn tích hợp.
Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân cho hay, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, quận này gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng giáo viên. Hiện nay, quận Bình Tân thiếu 26 giáo viên Âm nhạc và 30 giáo viên Mỹ thuật.
“Trò chuyện với các giáo viên hợp đồng vì sao không tham gia tuyển dụng, đa phần đều cho rằng thu nhập thấp, hơn nữa chuyện họp hành, thi đua khiến họ thấy mệt mỏi. Thay vì biên chế tại một trường, họ hợp đồng một vài trường kèm thêm đi hát ngoài thì cũng có mức thu nhập khá so với đồng lương giáo viên âm nhạc. Quận nội thành đã khó, các quận vùng ven, ngoại thành càng khó hơn”, ông Tuyên bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp cũng cho biết, tình trạng thiếu giáo viên Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật cũng đang diễn ra tại địa bàn.
“Trường đại học có đào tạo tuy nhiên sau khi ra trường các em lại đi làm công việc khác do lương thấp hơn mức sàn của vùng. Do đó, vấn đề gốc rễ phải giải quyết chế độ, chính sách để làm sao giáo viên có thể sống được bằng lương”, ông Thanh nói.
Hay ở quận 6, ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng Phòng GD&ĐT quận này băn khoăn, dù tổ chức 2 đợt tuyển dụng nhưng quận vẫn thiếu giáo viên, chủ yếu là môn tin học ở tiểu học; môn nhạc, họa ở tiểu học và THCS.
Theo ông Uyên, tuyển giáo viên đã khó nhưng lại có tình trạng nhiều người trúng tuyển tìm sang chỗ khác tốt hơn. Nhiều giáo viên sau khi trúng tuyển, biết được mức thu nhập đã quyết định rời nhiệm sở được phân công để chuyển nghề.
Cần giải pháp căn cơ, đồng bộ
Thừa nhận thực trạng trên, bà Lâm Hồng Lãm Thuý, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM thông tin, hiện Sở đang xây dựng đề án hỗ trợ giáo viên tiểu học.
Trong đề án có chia ra giáo viên nhiều môn, giáo viên bộ môn (Tin học, Âm nhạc, Tiếng anh, Giáo dục thể chất...) với việc đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho từng đối tượng.
Nếu nghị quyết được HĐND TP.HCM thông qua sẽ là cơ chế đặc thù để có thể thu hút sinh viên các ngành âm nhạc, tiếng anh ra làm giáo viên, giải quyết khó khăn khi tuyển dụng cho các trường.
Đánh giá về tình trạng này, ông Võ Văn Thật, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn nhận định, một cấu trúc bài học của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ lần lượt theo các bước khởi động, khám phá, vận dụng.
Khối lượng kiến thức trong bài học không nhiều như trước đây nhưng lại đòi hỏi kỹ năng và phương pháp hoàn toàn mới nên đòi hỏi người dạy phải thay đổi để theo kịp chương trình.
“Do đó, ngành giáo dục Tp.HCM rõ ràng phải dựa vào việc bồi dưỡng giáo viên hiện hữu chứ không thể trông chờ vào lực lượng giáo sinh chuyên môn ra trường trong bối cảnh thiếu giáo viên phổ thông như hiện nay. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao các lớp bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho lực lượng giáo viên trên địa bàn như một giải pháp quyết liệt hơn", ông Thật đề xuất.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM chia sẻ, Tp.HCM xác định chương trình có hay đến mấy mà giáo viên không đổi mới thì khó có thể thành công, tạo hiệu quả với học sinh.
Chính vì vậy, việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên luôn được Sở GD&ĐT đặc biệt quan tâm, sao cho vừa tuyển dụng được giáo viên vừa bồi dưỡng được đội ngũ đang giảng dạy đảm bảo yêu cầu về chuyên môn, kỹ năng.
Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thì ngay từ năm 2019, khi Bộ GD&ĐT chưa ban hành khung bồi dưỡng chương trình cho giáo viên, Sở GD&ĐT Tp.HCM đã có bước chuẩn bị cùng các trường đại học có thế mạnh đào tạo ngành sư phạm về kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đáp ứng theo yêu cầu của chương trình mới.
Đồng thời, Sở GD&ĐT Tp.HCM sẽ tổ chức lấy ý kiến các địa phương để làm sao hạn chế tình trạng giáo viên đi thi nhiều nơi, đã trúng tuyển rồi nhưng không nhận nhiệm sở mà đi nơi khác.
"Có thể tổ chức thời gian tuyển dụng thống nhất cùng thời điểm giữa các địa phương. Nếu thống nhất, Sở GD&ĐT sẽ gửi văn bản qua Sở Nội vụ và trình UBND Tp.HCM xin ý kiến thống nhất thời gian tuyển dụng giáo viên. Tuy nhiên, phải đối chiếu với các quy định của trung ương xem có đúng hay không", ông Hiếu nói.