Kết quả khiêm tốn sau nhiều năm triển khai
Ngày 3/1, Sở Xây dựng Tp.HCM có báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, khi mới chỉ có 5/14 dự án di dời nhà trên kênh rạch được bố trí vốn chuyển tiếp, đã bồi thường được 201/585 căn. Kết quả này làm ảnh hưởng đến kế hoạch di dời 6.500 căn đã đề ra.
Trong đó, với dự án Rạch Xuyên Tâm, Sở này đã thành lập tổ công tác nghiên cứu chuẩn bị và lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công và đã được HĐND Tp.HCM thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp ngày đầu tháng 12/2022.
Dự án rạch Hàng Bàng giai đoạn 3, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo UBND Tp.HCM không chọn là dự án cấp bách, ưu tiên, không được giao nhiệm vụ đầu tư.
Bên cạnh đó, UBND quận 7 đã lập đề án chỉnh trang đô thị di dời nhà trên và ven kênh rạch đối với 3 tuyến rạch Bần Đôn (di dời 659 căn), ao Song Tân (770 căn) và sông Ông Lớn (853 căn).
Theo Sở Xây dựng, các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch là các dự án để thực hiện chỉnh trang đô thị, giải quyết tiêu thoát nước để chống ngập thuộc danh mục các dự án trọng điểm, cấp thiết phải đầu tư và đã được UBND Tp.HCM ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên so với các dự án hạ tầng, công ích khác, các dự án này lại không được chọn là dự án cấp bách, ưu tiên.
Đối với nhóm dự án xã hội hóa, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Nghị định 35 của Chính phủ không còn quy định về hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Như vậy, việc di dời nhà trên và ven kênh rạch sẽ không thực hiện theo phương thức BT như giai đoạn trước đây.
Nhà đầu tư sẽ không được thanh toán bằng các mặt bằng cơ sở nhà đất, mà chỉ có thể khai thác, kinh doanh trên phần diện tích đất sau khi đã di dời nhà trên và ven kênh rạch, trong khi quỹ đất này là rất nhỏ hẹp, nên càng khó khăn hơn trong việc mời gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án…
Do đó, để hoàn thành chỉ tiêu của UBND Tp.HCM về kế hoạch thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, Sở Xây dựng kiến nghị UBND Tp.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp, đề xuất bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Nói về vấn đề này, đại diện UBND quận 8 chia sẻ với Người Đưa Tin: “Có một nghịch lý đang diễn ra. Đó là, người dân rất muốn bàn giao mặt bằng để được tái định cư nơi ở mới. Thế nhưng theo quy định, những căn nhà của họ lại không đủ tiêu chuẩn để tái định cư nên họ đành bám trụ; chính quyền dù muốn di dời nhưng cũng không biết bố trí tái định cư cho dân ở đâu”.
Cụ thể, 6.072 căn nhà ven và trên kênh Đôi, quận 8 hầu hết xây dựng không hợp pháp, chủ yếu là nhà lụp xụp, nhà cấp 3, cấp 4, kết cấu tạm bợ, chắp vá.
Những căn nhà loại này có diện tích nhỏ, đều thiếu điều kiện sinh hoạt cơ bản, một số hộ không có đồng hồ điện, nước riêng, phải câu nhờ sử dụng; nhà vệ sinh, nước thải sinh hoạt xả trực tiếp xuống rạch làm mức độ nhiễm bẩn ngày càng tăng, gây ngập úng.
Các công trình phúc lợi công cộng như trường học, trạm y tế… chỉ đáp ứng vừa đủ cho khu vực dân cư ổn định.
Giải bài toán kinh phí để an sinh xã hội
Chia sẻ với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Minh Hoà nhìn nhận, người dân không muốn di dời là do việc tái định cư làm cho họ mất "vốn xã hội" và bị tách ra khỏi "mạng lưới xã hội" đã có từ trước. Khi họ bị tách ra khỏi cộng đồng quen thuộc vốn đã sống rất lâu thì cũng là mất đi những mối làm ăn.
Điển hình nhất là dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè di dời giải toả hơn 7.000 hộ dân với gần 50.000 nhân khẩu vào sống trong các chung cư. Nhưng sau khoảng 10 năm, số người dân còn sống ở chung cư chỉ còn dưới 50%.
Qua 5 năm thực hiện, Tp.HCM mới di dời được 2.479, chiếm 12,4% chỉ tiêu. Những căn nhà được di dời chủ yếu tập trung ở các dự án sử dụng vốn ngân sách đang rất eo hẹp, chưa kêu gọi được dự án vốn ngoài ngân sách.
Nguyên nhân khiến địa phương chưa thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách cho chương trình di dời nhà ở ven và trên kênh, rạch được lý giải là do cơ chế thay đổi, nhà đầu tư thực hiện dự án sẽ không được thanh toán bằng quỹ đất khác, chỉ có thể khai thác, đầu tư kinh doanh trên chính phần diện tích đất đã được bồi thường.
Trong khi, quỹ đất khai thác tại chỗ, tức là ven kênh, rạch thường nhỏ, hẹp, diện tích ít nên không doanh nghiệp nào muốn bỏ vốn ra.
Để có thể kêu gọi được nguồn vốn xã hội hóa cho chương trình di dời nhà ở ven và trên kênh, rạch, Sở Xây dựng kiến nghị UBND Tp.HCM đầu tư như mở rộng biên chỉnh trang hành lang kênh; đồng thời, tăng chỉ tiêu hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu quy hoạch công trình để tạo ra quỹ đất có thể khai thác thương mại hấp dẫn nhà đầu tư.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho rằng, số lượng nhà đền bù tại các tuyến kênh, rạch rất lớn, nhưng giá trị đất hành lang lại nhỏ, không mang tính thương mại nên chưa thu hút được các doanh nghiệp tham gia.
Để tháo gỡ khó khăn, cần tăng tối đa quỹ đất sau di dời bồi thường để “bù” cho nhà đầu tư; dành tối thiểu 20% quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ kênh, rạch để làm công trình dịch vụ, công viên chuyên đề, hoặc cho phép chuyển đổi chức năng sử dụng đất thành chức năng thương mại dịch vụ, phục vụ du lịch..., nhằm tạo nguồn lực để khai thác hiệu quả cảnh quan, môi trường dọc sông.
Bên cạnh đó, thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị dọc hai bờ kênh, rạch để kêu gọi đầu tư theo hình thức Nhà nước sẽ bồi thường giải phóng mặt bằng bằng vốn đầu tư công, nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xây lắp.
Về lâu dài, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Tp.HCM cho biết, đơn vị này đang hoàn thiện đề án phát triển kè bờ sông và kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn, giai đoạn 2020-2045.
Đề án không chỉ đưa ra các kế hoạch để gìn giữ các bờ rạch, con sông mà còn đưa ra kế hoạch cụ thể để phát triển kinh tế ven sông.
Trong đó, sẽ quy hoạch cụ thể những khu vực ven bờ sông để khuyến khích và hỗ trợ các tập đoàn trong và ngoài nước có năng lực, đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng xanh đô thị gắn với khai thác quỹ đất.
Trước mắt, ưu tiên đầu tư tại những vị trí kết nối được với các công trình hạ tầng hiện có như Metro, cầu qua sông, đường ven sông…