Tp.HCM: Xe rác tự chế tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và ô nhiễm môi trường

Tp.HCM: Xe rác tự chế tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và ô nhiễm môi trường

Thứ 5, 14/11/2024 11:05

Những chiếc xe rác tự chế không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, mà còn làm gia tăng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Xe rác tự chế hoạt động tràn lan

Tình trạng xe rác tự chế hoạt động tràn lan trên nhiều tuyến đường tại Tp.HCM đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại. Những phương tiện này không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường, tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Tp.HCM: Xe rác tự chế tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và ô nhiễm môi trường- Ảnh 1.

Hình ảnh PV ghi nhận một xe rác tự chế trên đoạn đường Quang Trung (giao giữa quận 12 và quận Gò Vấp, Tp.HCM).

Xe rác tự chế thường thiếu an toàn khi lưu thông, không có đèn tín hiệu, phanh an toàn và gương chiếu hậu. Kết cấu của những xe này không vững chắc, dễ gây va chạm, đặc biệt là trên các tuyến đường hẹp và đông đúc. Ngày 14/11, trao đổi với Người Đưa Tin, anh Ngọc Tài (ngụ quận Gò Vấp) cho biết: “Gặp xe rác tự chế là tôi phải tránh xa vì lo tai nạn, nhất là khi đường đông”.

Không chỉ gây nguy hiểm giao thông, xe rác tự chế còn là nguyên nhân ô nhiễm môi trường do thiết kế không kín, khiến rác thải rơi vãi và bốc mùi. Chị Hồng Điệp (ngụ quận 12) chia sẻ: “Sáng ra đường là thấy rác vương vãi, nước thải rỉ ra bốc mùi rất khó chịu, nhất là vào ngày nắng nóng".

Tp.HCM: Xe rác tự chế tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và ô nhiễm môi trường- Ảnh 2.

Vấn đề lớn nhất là không đảm bảo an toàn kỹ thuật do không được kiểm định. Các vụ tai nạn liên quan xe tự chế, đặc biệt là xe thu gom rác, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Xe thu gom rác tự chế còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường vì đa phần cũ kỹ, xuống cấp, không được bảo trì định kỳ.

Ở góc độ pháp lý, trao đổi với PV Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Vũ Tuấn Tú, Trưởng phòng Quản lý đào tạo - Viện Nghiên cứu Pháp luật phía Nam thuộc Đoàn luật sư Tp.HCM, cho biết, theo khoản 4 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008, việc đưa phương tiện cơ giới hoặc xe máy chuyên dùng không đảm bảo an toàn kỹ thuật vào giao thông là hành vi bị cấm. 

Điều này có nghĩa là xe tự chế không đạt chuẩn an toàn sẽ không được phép lưu thông.

Theo luật sư Tú, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 2 - 12 triệu đồng tùy vào loại phương tiện và mức độ vi phạm. Ngoài ra, người lái có thể bị tước giấy phép từ 1 đến 3 tháng và phương tiện có thể bị tịch thu. Nếu gây tai nạn, người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự, với án phạt cao nhất lên tới 10 năm tù, tùy vào mức độ thiệt hại.

Tp.HCM: Xe rác tự chế tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và ô nhiễm môi trường- Ảnh 3.

Người lái xe rác tự chế không đội nón bảo hiểm vẫn thản nhiên đi lại trên đường.

Xe rác tự chế hoạt động lách luật, lảng tránh trách nhiệm

Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin sáng ngày 14/11, các phương tiện tự chế, đặc biệt là xe thu gom rác dân lập hoạt động mạnh vào khoảng thời gian từ 5h đến 7h sáng mỗi ngày.

Ghi nhận thực tế trên các tuyến đường di chuyển, vận chuyển rác thải sinh hoạt của phương tiện đến điểm tập kết, xử lý rác, điển hình địa bàn quận Gò Vấp (Tp.HCM), một số phương tiện tự chế thường xuyên thay đổi tuyến đường di chuyển vào các hẻm, đường nhỏ.

Tp.HCM: Xe rác tự chế tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và ô nhiễm môi trường- Ảnh 4.

Tp.HCM: Xe rác tự chế tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và ô nhiễm môi trường- Ảnh 5.

Xe rác tự chế len lỏi trong những con hẻm, đường nhỏ.

Tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội Tp.HCM mới đây, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an Tp.HCM cho biết, đến cuối tháng 10/2024, CSGT Công an Tp.HCM đã phát hiện hơn 17.700 xe 3, 4 bánh tự chế, xe quá khổ, cồng kềnh, trong đó có 1.716 xe 3 bánh, 37 xe thí điểm và 159 xe chở rác dân lập không đảm bảo an toàn.

Dù tai nạn giao thông liên quan các phương tiện này giảm so với cùng kỳ 2023, việc xử lý vẫn gặp khó khăn do tỷ lệ chấp hành xử phạt của chủ phương tiện còn thấp.

Thượng tá Long cũng khuyến nghị các sở, ngành liên quan cần tăng cường phối hợp với Công an Tp.HCM tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về an toàn giao thông, siết chặt kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm.

Đặc biệt là đối với xe tự chế không đảm bảo kỹ thuật, xử lý dứt điểm tình trạng bỏ phương tiện sau khi vi phạm; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng và doanh nghiệp để đảm bảo phương tiện tuân thủ tiêu chuẩn an toàn.

Đồng thời, khuyến khích chủ phương tiện đổi mới xe cũ, tự chế thông qua các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia chương trình thay thế phương tiện đạt tiêu chuẩn.

Kể từ ngày 2/10/2018, UBND Tp.HCM đã có Công văn số 4448/UBND-ĐT về triển khai kế hoạch chuẩn hóa phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn và Công văn số 479/UBND-ĐT ngày 17/02/2022 của UBND Tp.HCM về gia hạn thời gian chuyển đổi phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, Ông Lê Năng Hùng – Ủy viên ban chấp hành Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Tp.HCM (HANE) cho biết, việc các cấp lãnh đạo nỗ lực thực hiện xóa bỏ, không còn đơn vị sử dụng xe lôi, xe 3 bánh tự chế thu gom rác thải trên địa bàn là một hành động thiết thực và cần thiết ngay lúc này.

"Trên tinh thần công văn và định hướng của UBND Tp.HCM, thiết nghĩ các cấp chính quyền cần tiếp tục tăng cường ra quân kiểm soát và xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm, đặc biệt là xe bánh, 4 bánh, xe quá khổ, xe cơ nới, cồng kềnh, thu gom rác tự chế. Qua đó, tạo sự yên tâm cho người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ an toàn cho cộng đồng", ông Hùng nhấn mạnh.

M.H
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.