Ngày 30/11, tin từ Sở Y tế Tp.HCM, thời gian vừa qua, trên địa bàn diễn ra tình trạng các phòng khám đa khoa tư nhân xem thường pháp luật và các quy định pháp luật về việc cho phép các bác sĩ nước ngoài hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam. Do đó, rất cần bổ sung các hình phạt nghiêm khắc.
Đáng nói, sau thời gian tạm lắng do dịch bệnh Covid-19, một số phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài lại tái xuất hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong hành nghề khám, chữa bệnh.
Điều đáng xem xét đó là các phòng khám này từng vi phạm trước đây và từng bị xử phạt ở khung cao nhất theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đại diện Sở Y tế Tp.HCM nhấn mạnh: "Bất cứ ai, cho dù ở vị trí công tác nào, là người dân thành phố, khi đọc tin phản ánh các hành vi vẽ bệnh để moi tiền người bệnh đều căm phẫn và mong cơ quan quản lý Nhà nước phải có biện pháp mạnh đủ sức răn đe. Hơn ai hết, nhân viên y tế cũng đều phẫn nộ và lên án mạnh mẽ các hành vi vẽ bệnh, moi tiền người bệnh của một số cơ sở tư nhân có yếu tố nước ngoài thường xuyên tái phạm.
Sở Y tế kêu gọi người dân và nhân viên y tế cùng hỗ trợ phát hiện và kịp thời thông báo về Thanh tra Sở Y tế bằng cách gọi đường dây nóng, hoặc thông báo qua ứng dụng "Y tế trực tuyến" hoặc bất cứ hình thức nào có thể để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật".
Trước đó, Sở Y tế Tp.HCM từng nhận được nhiều phản ảnh của người dân về tình trạng "vẽ bệnh moi tiền" của các phòng khám tư nhân.
Đơn cử, có phòng khám lợi dụng những bệnh nhân có dấu hiệu bị mắc các căn bệnh tế nhị, khó nói đến thăm khám. Những nhân viên của các phòng khám này đã "vẽ" ra bệnh để thuyết phục bệnh nhân phải điều trị với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng.
Đã có nhiều người là nạn nhân của các phòng khám này.
Có thể thấy chiêu thức moi tiền của các phòng khám này có công thức như sau: Người bệnh khi đến các phòng khám trước hết sẽ được yêu cầu thực hiện một loạt các xét nghiêm, siêu âm. Sau đó, bệnh nhân sẽ được đưa vào các phòng tiểu phẫu để tư vấn điều trị.
Dù có bệnh hay không, dù bệnh nhẹ hay nặng thì bệnh nhân đều được đưa ra những chẩn đoán là mắc bệnh nguy hiểm, cần phải làm tiểu phẫu cắt, đốt với chi phí hàng chục triệu đồng…
Điển hình như Phòng khám Hồng Cường từng nhiều lần bị Thanh tra Sở Y tế phạt hành chính vì đã vi phạm các hành vi: lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; thu giá dịch vụ khám chữa bệnh cao hơn giá đã niêm yết; chỉ định sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh vì mục đích vụ lợi; không bảo đảm các điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động; quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh không đúng phạm vi chuyên môn.
Đã nhiều lần vi phạm và bị phạt, Phòng khám Hồng Cường vẫn tiếp tục với những chiêu trò “lừa đảo” cũ để bệnh nhân phải chịu cảnh "tiền mất, tật mang".
Trước những hành vi vi phạm pháp luật khám, chữa bệnh tái diễn ở một số cơ sở y tế tư nhân (có yếu tố nước ngoài), ngành y tế Tp.HCM kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi).
Trong đó, cần quy định bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam bắt buộc phải qua kỳ thi chứng chỉ hành nghề, bắt buộc phải thông thạo tiếng Việt và nói tiếng Việt khi khám bệnh.
Đồng thời, Sở này mong rằng các quy định này sớm có hiệu lực khi được ban hành. Ngoài ra, cần tăng nặng các hình thức xử phạt như thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động nếu tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan đến đạo đức hành nghề khám, chữa bệnh.
Sở Y tế cho biết, bên cạnh chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế duy trì thường xuyên (không chỉ chiến dịch) công tác thanh, kiểm tra các phòng khám có yếu tố nước ngoài và từng vi phạm, tiếp tục xử lý nghiêm với mức hình phạt cao nhất theo quy định hiện hành.
Cùng với đó, Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường phối hợp với Sở Y tế trong quản lý hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn.
Cụ thể, chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với các bộ phận chức năng của địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các địa chỉ phòng khám từng vi phạm, đang vi phạm và bị tạm đình chỉ ngưng hoạt động, buộc các cơ sở vi phạm ngừng quảng cáo, che hoặc gỡ biển hiệu trong thời gian bị tạm ngưng hoạt động.