Chiều 12/6, Tp.HCM có mưa dông diện rộng với lưu lượng trung bình 20-30mm. Tại khu vực quận Tân Bình, Tân Phú còn xuất hiện mưa đá, hạt mưa có kích thước khoảng 0,5cm. Mưa đá kéo dài trong khoảng 10 phút thì kết thúc.
Theo một người dân quận Tân Phú, lúc 13h30 chị nghe tiếng lộp độp trên mái nhà nên mở cửa ra xem thì phát hiện mưa đá. Viên đá khoảng 0,5cm, mưa đá tại khu vực chị ở kéo dài khoảng 5-7 phút thì dừng.
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết hiện tại mây dông vẫn đang phát triển mạnh và gây mưa rào kèm dông ở hầu hết khu vực Tp.HCM (Bình Chánh, Tân Bình, quận 10, quận 8, quận 5) và nhiều tỉnh thành khác ở Nam Bộ như Bình Phước (Bù Gia Mập), Long An (Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Tp.Tân An, Tân Trụ), Tiền Giang (Mỹ Tho, Chợ Gạo, Châu Thành), Bến Tre (Châu Thành), Cà Mau (Ngọc Hiển, Năm Căn), Bạc Liêu (Đông Hải, Hòa Bình). Ngoài ra mây dông trên vùng biển từ Sóc Trăng - Cà Mau cũng đang phát triển mạnh.
Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan nhận định hiện tượng này không quá hiếm khi xuất hiện ở Nam Bộ. Lý giải nguyên nhân, nữ chuyên gia cho biết do mây đối lưu phát triển mạnh. Hơn nữa, tuần vừa qua Nam Bộ chủ yếu ngày nắng oi, mưa muộn nên gây ra hiện tượng mây đối lưu nhiệt.
"Độ dày của mây đối lưu phát triển lên cao đến 5-6 km, khi lên càng cao, ổ mây càng lạnh. Các hạt nước trong đám mây đến đỉnh sẽ đông thành nước đá. Hạt đá di chuyển lên - xuống trong đám mây cho đến khi đạt độ lớn đủ để thắng được lực trọng trường thì rơi xuống đất", bà Lan giải thích các hạt rơi từ chân mây xuống đất gọi là mưa đá.
Quốc Tiệp (theo Suckhoedoisong.vn, Zing)