Theo quy định của luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc.
Trước khi mở thùng phiếu, tổ bầu cử phải thống kê, lập biên bản, niêm phong số phiếu bầu không sử dụng đến và phải mời hai cử tri không phải là người ứng cử chứng kiến việc kiểm phiếu.
Thành viên tổ kiểm phiếu phải làm việc trung thực. Tại các điểm bầu cử sẽ có tổ kiểm phiếu, có người đọc phiếu, người ghi phiếu và người giám sát.
Người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu, các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu.
Chậm nhất vào ngày 2/6/2021, cử tri TP.HCM sẽ biết được kết quả bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Riêng kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ được Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố chậm nhất là ngày 12/6/2021.
Trong ngày 23/5, cử tri TP.HCM đã bỏ phiếu chọn ra 30 đại biểu Quốc hội từ 50 người ứng cử viên. Có tất cả 10 đơn vị bầu cử, từ 5 ứng cử viên, cử tri ở mỗi đơn vị bầu cử sẽ bầu ra 3 đại biểu Quốc hội.
Thành phố này có 158 ứng cử viên đại biểu HĐND TP.HCM, chia thành 32 đơn vị bầu cử để bầu ra 95 đại biểu. Mỗi đơn vị bầu cử bầu ra 3 đại biểu HĐND TP.HCM trong 5 ứng cử viên. Riêng đơn vị bầu cử số 31 sẽ bầu ra 2 đại biểu trong danh sách 3 ứng cử viên.
Nhiệm kỳ này, TP.HCM không tổ chức HĐND quận, HĐND phường. Đối với HĐND TP.Thủ Đức, từ 67 ứng cử viên cử tri sẽ bầu ra 40 đại biểu.
Tại 5 huyện, có 284 người ứng cử đại biểu HĐND huyện để bầu ra 170 đại biểu và 3.043 người ứng cử đại biểu HĐND xã, thị trấn để bầu ra 1.838 đại biểu.