Nghịch lý, nhu cầu nhiều nhưng không bán được quảng cáo
TP.HCM đang chuẩn bị đợt đấu giá quảng cáo xe buýt lần thứ 5. Được biết, với số lượng hơn 1.200 xe buýt có thể được cho thuê quảng cáo như hiện nay, TP.HCM dự kiến huy động nguồn thu 135 tỷ đồng/năm để giảm bớt áp lực trợ giá bằng ngân sách. Từ khi có chủ trương cho phép quảng cáo trên xe buýt, TP.HCM đã nhiều lần tổ chức đấu thầu nhưng kết quả vẫn không khả quan.
Trong 2 năm qua với 5 lần tổ chức đấu thầu, quảng cáo trên xe buýt chỉ thành công được một lần duy nhất, còn lại là thất bại vì không có đơn vị nào tham gia. Từ cuối năm 2018 đến nay, trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM lại tiếp tục kiến nghị sở Giao thông Vận tải TP cho phép tổ chức đấu giá quảng cáo trên xe buýt lần 5.
Ông Hà Lê Ân, Phó Giám đốc trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM khẳng định đơn vị này sẽ rút kinh nghiệm từ các lần trước để cải thiện tình hình ì ạch kéo dài.
Theo hồ sơ đề án Quảng cáo trên xe buýt được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2017, các đơn vị vận tải có hợp đồng ủy quyền cho trung tâm Quản lý giao thông công cộng sử dụng xe buýt có trợ giá có quyền tham gia đấu giá quảng cáo trên các xe buýt này. Nguồn thu từ đây sẽ được nộp vào ngân sách, rồi quay lại phục vụ công tác phát triển vận tải hành khách công cộng. Riêng đối với tuyến xe buýt không trợ giá thì các đơn vị tự quyết định hình thức cho tổ chức quảng cáo và tự xử lý nguồn thu này.
Nhưng chính đại diện trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cũng thừa nhận, hiện nay xu hướng quảng cáo đã có sự thay đổi. Với sự phát triển của mạng xã hội, nhiều hình thức quảng cáo khác đã tăng cao sức cạnh tranh so với quảng cáo ngoài trời. Vì thế, quảng cáo trên xe buýt dần dần kém thu hút, không còn là kênh ưu tiên cho các đơn vị quảng cáo như trước đây.
Điều nghịch lý là dù cơ quan chức năng có khảo sát, tổ chức trao đổi và lắng nghe góp ý của các công ty, đơn vị quảng cáo nhưng sau khi hoàn thiện đề án, vận động trở lại thì chính các đơn vị này cũng từ chối tham gia. Vậy là những bước điều chỉnh các điều lệ để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các đơn vị quảng như số tiền tạm ứng giảm từ 20% xuống còn 5-10%, thời gian trên từng gói thầu được phép quảng cáo thay vì cố định 3 năm giảm xuống còn 1 hoặc 2 năm, chia nhỏ các gói thầu để “vừa túi tiền”,... nhưng hy vọng thành công cho lần đấu giá thứ 5 vẫn mong manh.
“Đối với quảng cáo trên xe buýt không thể định nghĩa được tuyến này “có giá” hơn tuyến kia mà mỗi tuyến sẽ phù hợp giới thiệu những sản phẩm nhất định. Ví dụ, sản phẩm phân bón không thể chọn tuyến xe buýt chạy ở trung tâm mà chỉ phù hợp với tuyến chạy ở ngoại thành. Ngược lại là các sản phẩm điện tử lại phù hợp cho quảng cáo trên xe hoạt động ở khu vực trung tâm hơn”, ông Hà Lê Ân, Phó Giám đốc trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM nhận định.
Còn về vấn đề giá, có ý kiến cho rằng mức giá hiện nay là khá cao nên chưa phù hợp. Phía đơn vị chủ quản cũng phân tích thêm, giá cả đã được các sở ngành ngồi lại tính toán, thẩm định gần một năm mới xong và được UBND TP.HCM phê duyệt. Theo đó, đơn giá cho thuê quảng cáo trung bình trên 1 xe loại 40 chỗ là 92,9 triệu đồng/xe/năm; loại 55 chỗ là 102,69 triệu đồng/xe/năm; buýt 2 tầng là 251 triệu đồng/xe/năm.
Tính toán phương án mới nếu đấu giá lần thứ 5 phá sản
Với lần tổ chức đấu giá thứ 5 đang tiến hành, trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM vẫn kiên trì bằng phương án chia nhỏ các gói thầu. Nếu như lần thứ 4 chia 11 gói thầu thì lần này sẽ chia theo mỗi tuyến là một gói thầu.
Như vậy, hơn 70 tuyến xe buýt sẽ tương ứng với 70 gói thầu. Giá trị của mỗi gói thầu sẽ giảm xuống thấp nhất là khoảng 550 triệu đồng/tuyến/năm, cao nhất là 5 tỷ đồng/tuyến/năm. Nói nôm na là việc cho thuê quảng cáo trên xe buýt sẽ chuyển từ cho thuê sỉ sang cho thuê lẻ, để các doanh nghiệp quảng cáo chủ động tìm kiếm khách hàng có nhu cầu phù hợp. Thế nhưng, phía đơn vị trực tiếp thực hiện công tác tổ chức đấu giá là trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (sở Tư pháp TP.HCM) lại khẳng định, tình hình vẫn là... ế khách. Và chính trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cũng nhận thức được chuyện này nên đã tính đến... lần đấu giá thứ 6.
Trong trường hợp lần 5, 6 không thành công, Trung tâm sẽ ngưng tổ chức đấu giá và có thể thay đổi phương thức có thể giao cho doanh nghiệp tự tìm đầu mối quảng cáo trên xe buýt. Lúc bấy giờ cơ cấu tổ chức trợ giá sẽ được tính toán lại.
“Chúng tôi cũng có suy nghĩ tới phương án sẽ giao lại cho các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động trong công việc cho thuê quảng cáo. Nhưng khi đó, mức trợ giá phải được tính toán lại vì nguồn thu từ quảng cáo này là cơ sở xem xét mức trợ giá tăng hay giảm. Nói thì dễ chứ đây là bài toán phức tạp, các sở ngành, đơn vị liên quan phải cùng với doanh nghiệp tính bài toán cụ thể thấu tình, đạt lý”, đại diện trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM nói.
Về phía doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt, ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc HTX vận tải số 15 cho hay: “Nhiều năm qua, chúng tôi đã được giao chủ động trong việc quảng cáo đối với các tuyến xe buýt không có trợ giá. Từ đó, mức giá, các điều kiện thỏa thuận giữa chúng tôi và nhà quảng cáo cũng "nhẹ", linh động hơn so với các yêu cầu mà đơn vị quản lý Nhà nước tổ chức đấu thầu. Vì thế, giao lại cho các đơn vị vận tải chủ động trong việc quảng cáo và nguồn thu doanh nghiệp được hưởng từ 30-50%”, đại diện HTX vận tải số 15 (quận Thủ Đức, TP.HCM) đề xuất.
Ý kiến này hoàn toàn có cơ sở khi việc giao về cho doanh nghiệp vận tải xe buýt được tự chủ bán quảng cáo đã rất thành công tại tỉnh Đồng Nai. Ông Dương Văn Đông, Phó Giám đốc sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết: “Khoảng 10 năm qua, tỉnh đã có chủ trương cho doanh nghiệp tự quảng cáo trên xe buýt theo đúng các quy định pháp luật. Xe trợ giá hay không trợ giá nếu tạo được nguồn thu từ quảng cáo thì họ tự chủ, trang trải các chi phí. Với chủ trương này, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải đã tự tìm kiếm đối tác ký kết hợp đồng quảng cáo nên đã kiếm thêm nguồn thu để trang trải tiền đăng kiểm, bảo hiểm...”.
Còn ông Nguyễn Quý Cáp, Chủ tịch hiệp hội Quảng cáo TP.HCM cho rằng: “Trong khi, các gói thầu quảng cáo trên xe buýt hiện nay của TP.HCM cũng không còn hấp dẫn do những tuyến tiềm năng nhất đã có chủ. Hình thức quảng cáo trên xe buýt lại không được linh hoạt. Các chiến dịch quảng cáo của khách hàng cũng thay đổi, chỉ kéo dài 1-2 tháng chứ không còn dài đến cả năm như trước. Nếu muốn thay những quảng cáo này không đơn giản do thủ tục cũng mất thời gian”, đại diện hiệp hội Quảng cáo TP.HCM đánh giá.
Tuy nhiên vấn đề cốt lõi mà ông Nguyễn Quý Cáp nhận thấy là do mức giá quảng cáo trên xe buýt của TP.HCM đưa ra quá cao. “Hà Nội là trung tâm quảng cáo lớn trên cả nước mà giá cũng chỉ bằng 20% so với giá trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đưa ra đấu thầu. Gói quảng cáo đã không hấp dẫn mà lại đưa giá cao thì doanh nghiệp hờ hững, đấu giá thất bại là đương nhiên. Nếu không thay đổi cách thức, dù có chia nhỏ thế nào đi nữa thì các gói thầu còn lại cũng không thể thoát ế”, ông Cáp cảnh báo.
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, nếu chủ trương quảng cáo trên xe buýt của TP.HCM không thay đổi triệt để từ chính sách thì mục tiêu thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm vẫn là chuyện rất xa vời. Và gánh nặng ngân sách cho công tác trợ giá xe buýt hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm hiện nay của thành phố đông dân nhất cả nước vẫn tiếp tục bế tắc.
Hà Nhân