Sáng 30/9, UBND Tp.HCM tổ chức họp báo về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương. Tại đây, đại diện các sở, ngành cho biết về phương án kiểm soát lưu thông khi thực hiện Chỉ thị mới của UBND Tp.HCM.
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Tp.HCM cho biết, Tp.HCM đã thành lập trang web An toàn Covid để các đơn vị, tổ chức đăng ký mã QR từ trưa 30/9.
Theo lộ trình đến ngày 15/10, các đơn vị tổ chức đăng ký, in và dán các mã QR tại trụ sở cơ quan nhằm thực hiện kiểm tra người đến công tác.
Việc này giúp giám sát yếu tố dịch tễ, xem người đến liên hệ có đạt theo bộ tiêu chí an toàn sản xuất kinh doanh hay không.
Đánh giá về việc ứng dụng công nghệ để phòng chống dịch Covid-19, bà Trinh chỉ ra, công tác này được làm trực tuyến, gửi hồ sơ và nhận mã QR, không tiếp xúc trực tiếp.
Ngoài ra, Tp.HCM cũng đang triển khai ứng dụng Y tế HCM có nhiều tính năng để cập nhật lịch sử tiêm chủng hoặc danh sách F0 đã khỏi bệnh trong việc xác định đủ điều kiện tham gia sản xuất kinh doanh.
“Mới đây, ứng dụng PC-Covid được xác định sẽ sử dụng chung theo chỉ đạo của Chính phủ. Do đó, Tp.HCM sẽ chuyển hết dữ liệu từ Y tế HCM vào PC-Covid, phục vụ phòng chống dịch. Khi ứng dụng mới hoạt động ổn định sẽ liên thông dữ liệu, đưa Y tế HCM trở thành một tiện ích trong PC-Covid”, bà Trinh nói.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an Tp.HCM trình bày, sau ngày 30/9, việc kiểm soát lưu thông sẽ không sử dụng giấy đi đường, trên tinh thần tạo điều kiện cho người dân đủ điều kiện thì được lưu thông.
Công an Tp.HCM sẽ duy trì 51 chốt kiểm soát dịch tại 12 cửa ngõ thành phố cũng như các quận, huyện, Tp.Thủ Đức và phối hợp với lực lượng công an các tỉnh lân cận để kiểm soát ra vào Tp.HCM.
Khi các chốt kiểm soát trong Tp.HCM được xóa bỏ, Công an Tp.HCM sẽ kiểm tra tăng cường đột xuất trên đường, ngẫu nhiên 24/24 giờ để phòng chống dịch.
“Người ra đường phải khai báo trên VNEID hoặc phần mềm Y tế HCM. Vài ngày sau, khi dùng chung PC-Covid thì chúng ta tích hợp. Công an Tp.HCM có thể thành lập một số chốt lưu động, có cả test nhanh y tế để cơ động trong việc kiểm soát lưu thông”, ông Quang nói.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cũng cho rằng, lịch sử tiêm vắc-xin trên các app chỉ tương đối chứ không đầy đủ. Vì thế, người dân có thể xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm ít nhất một mũi để được lưu thông và trường hợp F0 khỏi bệnh cũng tương tự.
Tại các cơ quan tổ chức dùng mã QR để nhận diện người đến làm việc thì người đứng đầu chịu trách nhiệm kiểm tra. Công an Tp.HCM sẽ tham mưu, tham gia tổ liên ngành để kiểm tra việc này.
Đối người dân có ý định rời khỏi Tp.HCM, ông Quang nói: “Hiện nay, quy định là không ra khỏi Thành phố. Nếu người dân không có ý thức sẽ dễ ùn tắc giao thông, làm tăng nguy cơ lây dịch”.
Do đó, Công an Tp.HCM sẽ xử lý nghiêm nếu cố tình "thông chốt". “Quy định pháp luật đã có. Nếu làm lây dịch sẽ xử lý hình sự. Nếu chưa gây hậu quả cũng phải chịu xử lý hành chính và cách ly y tế”, ông Quang nhận định.
Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM đưa ra lý giải về việc duy trì các chốt kiểm soát tại khu vực giáp ranh Tp.HCM. “Tất cả vì an toàn, sức khỏe cho người dân Tp.HCM và các tỉnh lân cận. Vì theo đánh giá tình hình chung, mỗi tỉnh thành có độ phủ vắc-xin và mức độ dịch khác nhau nên phải kiểm soát, không cho người dân đi xe cá nhân ra vào Tp.HCM”, ông Bình nói.
Đối với trẻ em, ông Bình chỉ ra: “Việc mở cửa trường học để dạy trực tiếp phải tuân thủ lộ trình nghiêm ngặt. Hiện nay, học sinh Tp.HCM vẫn đang học online nên nếu không có việc cần thiết thì gia đình không để trẻ em ra đường”.
Tiêm vắc-xin cho trẻ em phải theo lộ trình
Tại họp báo, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM nói: “Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em, người dưới 18 tuổi phụ thuộc vào nguồn vắc-xin phù hợp và theo hướng dẫn của Bộ Y tế”.