Họp kín tìm giải pháp
Sáng 14/6, ông Nguyễn Sỹ Khánh, Chủ tịch UBND Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp về biện pháp xử lý các vấn đề liên quan đến tình trạng san hô bị chết hàng loạt trong Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Vụ việc đã được các cơ quan báo chí phản ánh trước đó.
Cuộc họp có sự tham gia của Viện Hải dương học Nha Trang, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, các nhà khoa học cùng các cơ quan, đơn vị chức năng để bàn giải pháp khắc phục, khôi phục san hô bị chết hàng loạt ở vịnh Nha Trang.
Cuộc họp này thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Tuy nhiên, sáng cùng ngày, nhiều phóng viên báo chí đến đăng ký tham dự cuộc họp nhưng hầu hết đều không được vào tham dự cuộc họp. Đại diện Văn phòng UBND Tp.Nha Trang giải thích đây là cuộc họp nội bộ.
Trước đó, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã có văn bản giao UBND tỉnh này chỉ đạo việc kiểm tra làm rõ những nội dung báo chí nêu. Từ đó đánh giá thực chất công tác bảo tồn rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun, làm rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp xử lý, khắc phục; báo cáo kết quả cho Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 19/6.
San hô chết trắng trên bờ ở đảo Hòn Mun
Cũng trong sáng 14/6, chúng tôi đã cùng đi thực tế với Ban quản lý vịnh Nha Trang để ghi nhận về tình hình san hô tại một số đảo trong vịnh, đặc biệt là đảo Hòn Mun.
Trên đường ra đảo Hòn Mun, ca nô có dừng lại một số điểm để chúng tôi thấy những bãi san hô bị sóng đánh lên bờ nằm chết trắng.
Sau khi vòng qua một số đảo, chúng tôi đi thực tế tại khu vực phía tây đảo Hòn Mun. Tại đây, có rất nhiều san hô nằm chết trắng, trải dọc cả một đoạn bờ biển. Đa phần là những cành san hô bị vỡ, còn lại có một số khối san hô lớn cũng bị sóng đưa lên bờ.
Ông Cao Đức Đại, Phó Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Ban quản lý vịnh Nha Trang cho biết, khu vực phía tây của Hòn Mun là khu bảo tồn biển được Ban quản lý khoanh vùng để bảo vệ rất nghiêm ngặt. Tại đây, tuyệt đối không có những hoạt động vui chơi, giải trí hay tham quan, bơi lội, giao thông đường thủy nội địa… vì nơi này trước đây có rạn san hô với độ phủ rất cao.
“Cơn bão vào cuối năm 2017 đã làm san hô bị tàn phá một lần. Sau đó, san hô đã có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, cơn bão số 9 năm 2021 bão làm hư hại thêm lần nữa nên hiện tại nơi này san hô đang bị suy thoái gần như toàn bộ. Diện tích san hô bị bão đánh lên trên bờ khoảng 500 mét bờ biển.
Loại san hô bị tàn phá là san hô cành, gạc nai (tên khoa học là chi Acropora) do bộ xương san hô ở đây có sức cản lớn; còn những loại phiến, khối thì còn nguyên. Nội dung trên Ban quản lý đã gửi văn bản báo cáo cho UBND Tp.Nha Trang vào tháng 1/2022”, ông Đại cho biết.
Theo Ban quản lý vịnh Nha Trang, ngoài tác động của bão, một số hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng ven biển, san lấp lấn biển trên các đảo trong vịnh Nha Trang dẫn đến lượng trầm tích trong nước tăng cũng tác động phần nào đến các hệ sinh thái rạn san hô tại các đảo.
Về kế hoạch bảo tồn, ông Đại cho biết, khu vực này có nền đáy và vị trí phù hợp để san hô phát triển nên dù san hô đã bị tàn phá rồi nhưng Ban quản lý vẫn chủ trương giữ lại chế độ bảo tồn như trước.
“Khi nền đáy ổn định thì san hô với hình thức sinh sản hữu tính sẽ tạo bào tử phát tán rồi bám vào nền đáy cũ và phục hồi. Nếu ổn định thì trong khoảng 3-5 năm chúng ta sẽ thấy dấu hiệu phục hồi khá rõ rệt ở những nền đáy tốt như ở khu vực này”, ông Đại thông tin thêm.
Còn tại khu vực phía bắc đảo Hòn Mun, chúng tôi thấy những tảng san hô khối lớn nằm ngổn ngang trên bờ. Tại đây, một số tàu du lịch đang tổ chức cho khách bơi lặn ngắm san hô.
Anh Hồ Hải, một thợ lặn cho biết do ảnh hưởng của bão nên hiện nay san hô không còn nhiều như 3-4 năm trước. Vẫn còn những chỗ san hô đẹp nhưng tỉ lệ chỉ còn lại khoảng 50% so với trước đây. Theo anh Hải, hiện nay san hô vẫn đang tái tạo lại.
“Công việc lặn và đưa du khách tham quan không chỉ là miếng cơm manh áo mà còn là niềm đam mê của tôi nhưng san hô bị tàn phá do thời tiết như vậy tôi cũng thấy buồn. Vì vậy, mỗi người chúng ta hãy cùng cố gắng chung tay góp sức bảo vệ để tái tạo dần dần san hô”, anh Hải chia sẻ.
Theo anh Hải, hiện nay đang là mùa gió Nam nên hoạt động bơi lặn cho du khách sẽ được tổ chức ở mặt Bắc đảo Hòn Mun. Khi đến mùa gió bấc (tháng 9, 10 trở đi) thì hoạt động sẽ được tổ chức ở phía nam của đảo.
Vừa khai thác du lịch vừa bảo vệ các rạn san hô
Đối với các giải pháp để vừa cho doanh nghiệp khai thác dịch vụ du lịch vừa bảo vệ các rạn san hô tại đảo, ông Đại cho biết, Ban quản lý đã xây dựng nội quy khu bảo tồn biển rất chặt chẽ, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Trong đó, tuyệt đối không tác động vào hệ sinh thái, không được đứng, không được sờ vào san hô mà chỉ tới để xem.
Bên cạnh đó, hoạt động của những phương tiện tại khu vực cho khách tham quan được Ban quản lý thực hiện những phao bù. Những điểm neo này đã được cột vào những tảng đá lớn ở dưới nước và tàu bè chỉ cột vào phao, là một điểm neo nổi chứ không được thả neo trực tiếp trong vùng lõi.
Vùng lõi của đảo Hòn Mun được tính từ mép nước ra 300 mét xung quanh đảo, trừ khu vực cầu cảng. Tại đây, các hoạt động về khai thác, đánh bắt, tàu bè đi lại… không được phép thực hiện. Ban quản lý cũng đã khoanh vùng bằng phao để người dân, du khách được biết cũng là để công tác quản lý được thực hiện tốt hơn…
Khánh Hòa: Giao 28 ha mặt nước thí điểm phục hồi san hô trong vịnh Nha Trang
UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định giao 28 ha mặt nước biển trong vịnh Nha Trang cho Công ty Cổ phần Vạn San Đảo thực hiện dự án bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học tại vùng biển ven bờ Bãi Tiên thuộc vịnh Nha Trang với thời hạn 5 năm.
Theo quyết định này, đây không phải dự án mang mục đích kinh doanh mà là dự án thực hiện bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học. Địa điểm thực hiện là khu vực biển ven bờ Bãi Tiên (phường Vĩnh Hòa, Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) với tổng chi phí thực hiện là 14,770 tỷ đồng.
Dự án cũng được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường vào ngày 1/3/2022.
Châu Tường