Tòa án Quốc tế về Luật Biển đã thành lập Hội đồng Trọng tài 5 thành viên, khởi động tiến trình tố tụng vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) phiên đầu tiên hôm 11/7 để xem xét vụ kiện tại The Hague (Hà Lan), thông qua thủ tục xét xử. Tuy nhiên trong giới học giả, nghiên cứu vẫn còn nhiều ý kiến lăn tăn xung quanh vụ kiện này.
Mark Valencia, một học giả về chính trị - hàng hải tại Hawaii, đồng thời là giáo sư thỉnh giảng tại viện Nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông) - Trung Quốc (TQ) hôm 15/8 có bài phân tích về “cái khó” của Tòa án Quốc tế về Luật Biển trong việc thụ lý vụ kiện trên. Để tránh dẫn đến những hiểu lầm, lo ngại không cần thiết trong dư luận, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đã trao đổi một số nhận định với báo điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Tiến sĩ Trần Công Trục |
- PV: Hiện nay là thời điểm khá nhạy cảm khi dư luận tập trung theo dõi cơ quan tài phán quốc tế sẽ thụ lý và xử lý như thế nào vụ Philippines kiện TQ giải thích và áp dụng sai UNCLOS ở Biển Đông. Hôm 15/8, học giả Mỹ Mark Valencia đã đưa ra một số bình luận, tình huống giả định xung quanh vụ kiện này, trong đó có những lăn tăn, lo ngại về khả năng bảo vệ công lý, luật pháp quốc tế trước áp lực chính trị, cường quyền cũng như tính hợp pháp của vụ kiện và tiến trình tố tụng.
Để giúp dư luận có cách tiếp cận và tránh những hoang mang không cần thiết về tiến trình pháp lý của Philippines, xin Tiến sĩ vui lòng chia sẻ, phân tích sâu hơn những băn khoăn của ông Mark Valencia về tính hợp pháp của vụ kiện và phiên tòa?
- Ts: Trần Công Trục: Theo dõi diễn biến vụ kiện của Philippines và đánh giá, nhận định của các học giả quốc tế, tôi có thể hiểu được những băn khoăn của Tiến sĩ Mark Valencia, cũng thấy rằng cần nói thêm cho rõ một vài băn khoăn của ông trong vụ kiện này, đồng thời chia sẻ cùng công luận một số khía cạnh pháp lý đã quá rõ ràng, hiển nhiên của vụ kiện, đó là thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài 5 thành viên (HĐTT) do Tòa án Quốc tế về Luật Biển (TAQT) thiết lập để xem xét vụ kiện cũng như tính hợp pháp trong vụ kiện của Philippines mà một số người vẫn còn nghi ngờ, hoang mang.
Thứ nhất, chúng ta không nên đặt ra câu hỏi HĐTT có thẩm quyền hay không có thẩm quyền thụ lý vụ việc này, bởi nếu không có thẩm quyền TAQT đã không thành lập HĐTT và khởi động tiến trình tố tụng với phiên làm việc đầu tiên ngày 11/7 vừa qua. Đó là một sự thật hiển nhiên và quá rõ ràng.
Thứ hai, người ta băn khoăn về nội dung, chủ đề Philippines kiện TQ và thông tin do phía TQ nêu ra trong bình luận của ông Mark Valencia. Cần phải nhắc lại và nhấn mạnh rằng, Philippines kiện TQ giải thích và áp dụng sai UNCLOS ở Biển Đông chứ không phải kiện về tranh chấp lãnh thổ hay hoạch định các vùng biển chồng lấn.
TQ đưa ra yêu sách đường lưỡi bò phi pháp không căn cứ vào điều khoản nào của UNCLOS và ảnh hưởng, vi phạm trực tiếp tới quyền lợi, chủ quyền của các nước ven Biển Đông, trong đó có Philippines.
Các lý do TQ đưa ra phản đối vụ kiện hoàn toàn không phù hợp với nội dung Philippines khởi kiện theo lối ông nói gà, bà nói vịt. Vì vậy không có bất cứ lý do nào để lo ngại rằng TAQT có đủ thẩm quyền thụ lý vụ kiện hay không, băn khoăn nội dung vụ kiện có phù hợp với UNCLOS hay không.
Hiện nay HĐTT đã được thiết lập và bắt đầu khởi động tiến trình tố tụng với tất cả trách nhiệm và quyền hạn theo đúng luật định trong UNCLOS.
Việc trong HĐTT có 1 thẩm phán xin rút vì có vợ là người Philippines là một việc hết sức bình thường, chỉ nhằm đảm bảo cho phiên tòa, vụ kiện được thụ lý đúng luật và hạn chế tối đa những tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài tới tiến trình thụ lý, điều đó hoàn toàn không có nghĩa là HĐTT có vấn đề nào đó hoặc không đủ thẩm quyền thụ lý vụ kiện như một số người lo ngại hoặc cố tình lài léo dư luận một cách khiên cưỡng.
Tiến sĩ Mark Valencia, một học giả về chính trị - hàng hải tại Hawaii, đồng thời là giáo sư thỉnh giảng tại viện Nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông) - Trung Quốc. |
- PV: Trong phân tích của mình Tiến sĩ Mark Valencia bày tỏ lo ngại rằng phiên tòa và tiến trình tố tụng, thụ lý vụ kiện này sẽ bị tác động bởi yếu tố chính trị, trong đó đã từng có thực tế các thế lực chính trị cường quyền sử dụng sức ép để bẻ cong luật pháp, làm ảnh hưởng và thậm chí là thay đổi phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế.
Ông Valencia lo ngại điều này có thể lặp lại trong vụ kiện của Philippines khi ngay từ đầu TQ đã tìm mọi cách phản đối và tẩy chay vụ kiện với sự “cảm thông” dành cho HĐTT. Ông có nhận định và chia sẻ gì xung quanh sự lo ngại này của Tiến sĩ Mark Valencia?
- Ts Trần Công Trục: Xuất phát từ thực tiễn quá trình giải quyết các tranh chấp được đưa ra trước các cơ quan tài phán quốc tế trong lịch sử, rõ ràng các phán quyết hay ý kiến của các tổ chức tài phán này thường bị tác động bởi các nước lớn, các thế lực chính trị cường quyền là điều có thật, tôi thừa nhận rằng trước đây có những hiện tượng đó, và thậm chí bây giờ nó vẫn tồn tại dưới hình thức này hoặc hình thức khác.
Ông Mark Valencia đưa ra ví dụ vụ kiện giữa Mỹ và Nicaragua, tôi nghĩ đó là một thực tế và còn có những trường hợp khác tương tự. Nhưng đó là quá khứ, những thế kỷ trước, việc áp đặt của chính trị cường quyền, nước lớn có ảnh hưởng rất lớn đối với các tổ chức quốc tế.
Hiện nay, hiện tượng ảnh hưởng chính trị đến các cơ quan tài phán quốc tế vẫn còn, tuy nhiên hoàn cảnh quốc tế hiện nay đã có nhiều thay đổi. Ngày nay không có chuyện một quốc gia chính trị cường quyền nào đó có thể bắt cộng đồng quốc tế phải tuân thủ ý chí, mong muốn chủ quan của họ một cách vô điều kiện.
Lấy ví dụ ngay về UNCLOS: Mỹ là nước đóng góp tài chính lớn nhất cho Liên Hợp Quốc cũng như các tổ chức quốc tế và ỷ vào điều này họ có những can thiệp rất mạnh vào các tổ chức quốc tế. Ngay như UNCLOS 1982 Mỹ phản đối, không ký, không tham gia nhưng Công ước vẫn được đàm phán và thông qua ngay trên đất Mỹ. UNCLOS từng bị Mỹ nhiều lần phản đối nhưng vẫn có hiệu lực thi hành, hiện nay gần như cả thế giới đang tuân thủ và áp dụng.
Hiện nay các thế lực chính trị ở Mỹ đang gây sức ép với Nhà Trắng phải tham gia UNCLOS nếu Mỹ muốn bảo vệ quyền lợi hàng hải to lớn của mình trên biển và đại dương. Đó là một xu thế khó có thể cưỡng lại.
Ví dụ thứ 2, TQ trong và sau khi Philippines khởi kiện đã dùng nhiều biện pháp ngăn cản vụ kiện này, trong đó sử dụng tổng lực các thủ đoạn về chính trị - kinh tế - ngoại giao để gây sức ép lên Manila, thậm chí theo tôi chắc chắn TQ đã tìm cách vận động hành lang rất nhiều để ngăn cản phiên tòa diễn ra, nhưng TAQT vẫn thành lập HĐTT và thụ lý vụ kiện của Philippines theo đúng quy định của UNCLOS.
Điều này rõ ràng là một minh chứng hùng hồn rằng trong thế giới ngày một văn minh như hiện nay, các thế lực cường quyền khó có thể bẻ cong luật pháp theo ý muốn chủ quan của họ.
Mặt khác, thế giới ngày nay là một thế giới đa cực, không phải là một thế giới đơn cực để ai đó muốn làm gì thì làm. Một số quốc gia chính trị cường quyền muốn áp đặt ý chí, mong muốn chủ quan của họ đối với cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hiện nay là một điều khó có thể xảy ra.
Thực tế TQ có sức mạnh kinh tế, quân sự, ngoại giao mạnh áp đảo so với các nước Đông Nam Á, nhưng không phải dễ dàng để có thể độc chiếm Biển Đông mặc dù có rất nhiều thế lực cực đoan, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi kêu gọi.
Bắc Kinh vẫn không dám manh động, muốn làm gì thì làm mà luôn phải tính toán và thăm dò phản ứng các bên, tất nhiên tham vọng của họ muốn độc chiếm Biển Đông không có gì thay đổi, nhưng điều đó không có nghĩa họ muốn là được. Điều đó chứng tỏ không phải dễ dàng để TQ áp đặt chính trị cường quyền.
Do đó, việc các học giả băn khoăn và đưa ra các dự doán các thế lực chính trị cường quyền áp đặt, bẻ cong luật pháp quốc tế trong vụ kiện của Philippines là điều dễ hiểu và có thể chia sẻ, nhưng nó sẽ không dễ xảy ra (thậm chí không thể xảy ra trong trường hợp này) và không phải xu thế chủ đạo.
Bắc Triều Tiên thử tên lửa, hạt nhân bất chấp mọi nỗ lực ngăn cản của Mỹ và các cường quốc khác. |
Ngoài ra, trên thực tế hiện nay còn có nhiều hiện tượng chứng minh điều này, điển hình như CHDCND Triều Tiên vẫn tiến hành thử tên lửa, hạt nhân bất chấp việc áp đặt các biện pháp trừng phạt của các nước lớn, thậm chí với danh nghĩa Liên Hợp Quốc.
Ta không bàn tới hành động của Triều Tiên đúng hay sai, ta cũng không nói chuyện ủng hộ hay phản đối Triều Tiên trong khuôn khổ vấn đề này, nhưng thực tế hiện tượng trên cho thấy không phải các cường quốc muốn áp đặt điều gì lên quốc gia khác là có thể áp đặt. Chỉ riêng hiện tượng này thôi cũng cho thấy không phải Mỹ, TQ, Nga hay bất kỳ các cường quốc nào đó cứ muốn áp đặt ý chí của họ lên nước khác là được, ngược lại họ phải ngồi vào bàn đàm phán bình đẳng và đối thoại.
- PV: Dự đoán về diễn biến của phiên tòa, Mark Valencia đưa ra 3 khả năng: Một là HĐTT phán quyết có lợi cho TQ nếu không thụ lý vì “không đủ thẩm quyền”; Hai là HĐTT ra phán quyết bác bỏ yêu sách “lưỡi bò” của TQ theo đúng đơn kiện của Philippines và 3 là, HĐTT đưa ra một phương án dung hòa lợi ích cho cả TQ và các bên liên quan trên Biển Đông, trong đó bao gồm Philippines. Tiến sĩ đánh giá như thế nào về các dự đoán này?
- Ts: Trần Công Trục: Với một sự việc được đông đảo dư luận khu vực và quốc tế quan tâm như vụ kiện của Philippines, ai cũng có quyền đưa ra những dự đoán về diễn biến và kết quả của vụ kiện, đương nhiên mỗi người có suy nghĩ khác nhau, tôi có thể hiểu được những dự đoán ông Mark Valencia đưa ra, và tất nhiên kết quả của phiên tòa còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa, chúng ta chỉ có thể chờ đợi và theo dõi.
Về khả năng thứ nhất, nếu HĐTQ vì áp lực và can thiệp quá lớn của TQ mà đưa ra phán quyết rằng HĐTT thuộc TAQT không đủ thẩm quyền xem xét vụ kiện này, điều đó sẽ chứng minh sự thất bại thảm hại của luật pháp và công lý quốc tế trước sức mạnh chính trị cường quyền. Về điều này tôi đã phân tích ở phần trên, tôi cho rằng nó khó, thậm chí không thể xảy ra trong thời buổi hiện nay.
Thứ hai, HĐTT ra phán quyết theo đơn kiện của Philippines, bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò phi lý và vi phạm UNCLOS, đó thực sự là thắng lợi của hành động bảo vệ luật pháp quốc tế, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chân lý của nhân loại đã dầy công gây dựng.
Trong phiên họp hẹp hôm 14/8 tại Thái Lan, Ngoại trưởng 9 nước ASEAN đã bày tỏ thống nhất cao độ cùng thúc đẩy Trung Quốc đàm phán, ký kết COC thay vì chỉ "tham vấn" như Bắc Kinh đặt ra. |
Đó là cơ sở pháp lý để các quốc gia trên thế giới có niềm tin, tinh thần xây dựng cho sự tồn tại và phát triển của cộng đồng. Tôi tin chắc rằng các cơ quan tài phán này khi xác định được trách nhiệm, thẩm quyền của mình, họ sẽ làm một cách công bằng, chính trực để bảo vệ công lý, thiết chế pháp lý được xây dựng và duy trì. Tôi hy vọng nhiều vào khả năng này, quá trình thụ lý cụ thể như thế nào, chúng ta còn phải chờ đợi.
Thứ ba, khả năng HĐTT vì cân bằng nguyện vọng các bên có thể sẽ công nhận rằng Trung Quốc có “quyền do lịch sử để lại” với một phần tài nguyên trên Biển Đông và Trung Quốc phải chia sẻ các nguồn tài nguyên này với Philippines (và các quốc gia tranh chấp khác). Tôi cho rằng khả năng này không thể xảy ra.
Như đã nói rất rõ ở trên, Philippines không kiện về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ nên không có chuyện HĐTT đưa ra phán quyết về cái gọi là vùng nước lịch sử hay chủ quyền lịch sử. Không có căn cứ pháp lý nào hay tiền lệ lịch sử nào để đối chiếu và vận dụng trong trường hợp TQ đưa ra đường lưỡi bò biến Biển Đông thành vùng nước lịch sử.
Đó là sự thật không thể có được, không thể dựa vào cái gọi là bằng chứng lịch sử để đòi hỏi chủ quyền toàn bộ Biển Đông. Philippines chỉ yêu cầu HHTT thuộc TAQT đưa ra phán quyết rằng TQ giải thích và áp dụng UNCLOS hoàn toàn sai ở Biển Đông. Sự việc chỉ có như vậy.
Nếu chúng ta muốn đồng lòng cùng nhau phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng lòng tin chiến lược trên cơ sở pháp lý quốc tế, duy trì hòa bình ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta ở Biển Đông, chúng ta phải tin tưởng và ủng hộ hoạt động cũng như phán quyết của Tòa án Quốc tế về Luật Biển trong vụ việc này.
Niềm tin của chúng ta là có cơ sở pháp lý và thực tiễn chắc chắn. Ngoài những điều đã phân tích, từ khi Philippines khởi kiện đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các nước lớn như Mỹ, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, chỉ trừ Trung Quốc bác bỏ với những lý lẽ không thuyết phục và cũng chẳng ăn nhập gì với nội dung vụ kiện. Một số ít nước khác ủng hộ TQ vì động cơ chính trị và lợi ích kinh tế của riêng họ, điều này chúng ta đã quá rõ.
Trước kia TQ chia rẽ rất mạnh khối ASEAN, đặc biệt là năm ngoái khi Campuchia làm Chủ tịch luân phiên ASEAN. Nhưng trong năm nay, đặc biệt là thời gian gần đây TQ đã không làm được điều này. Sự thống nhất cao độ của ASEAN về thúc đẩy đàm phán, kí kết COC đã chứng minh điều đó. Rõ ràng là chân lý, lẽ phải, luật pháp phù hợp với thực tế cuộc sống và lòng người vẫn được tôn trọng cho dù nó vẫn bị cản trở, nhưng cuối cùng nó vẫn chiến thắng. Nếu chúng ta quyết tâm có cùng tiếng nói vì công lý, vì lợi ích chung của khu vực, tôi nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn có thể đi đến thành công.
Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ!
Theo Giáo dục Việt Nam