Các quán hàng rong tập trung chủ yếu ở trước cửa sân vận động, khu vực vườn hoa và tháp đồng hồ. Các quán hàng chỉ bán mấy thứ lặt vặt như xoài xanh, củ đậu, cóc dầm, trà đá, trà chanh... Hàng được bày trên một cái mẹt con nên rất tiện lợi để di chuyển, nếu gặp lực lượng chức năng.
Mỗi tối có hàng ngàn người tụ tập ở các quán trà đá gần cổng sân vận động Mỹ Đình
Thi nhau... chặt chém
Dọc con đường Lê Đức Thọ từ điểm nối với đường Hồ Tùng Mậu tới sân vận động Mỹ Đình, hàng trăm điểm bán trà đá, trà chanh, đồ ăn nhanh mọc lên "như nấm sau mưa". Càng vào gần khu vực trước cửa sân vận động, mật độ hàng quán càng dày đặc. Khi chúng tôi đến lúc 7h tối, cả ngàn người đang ngồi la liệt ở các quán trà đá này.
Theo quan sát của PV, các quán hàng rong tập trung chủ yếu ở trước cửa sân vận động, khu vực vườn hoa và tháp đồng hồ. Các quán hàng rất sơ sài, thường chỉ bày bán vài thứ lặt vặt như xoài xanh, củ đậu hay cóc dầm, trà đá… Hầu hết hàng được bày trên mẹt hay chiếu, tiện lợi để di chuyển từ điểm này tới điểm khác. Những mẹt hàng được bày trên thềm của vườn hoa và mỗi một mẹt hàng đặt như vậy coi như đánh dấu địa điểm. Không gian trước mỗi mẹt hàng dùng cho khách để xe, không gian sau, chủ hàng trải chiếu ngay trên các thảm cỏ để phục vụ khách ngồi nghỉ mát và ăn uống.
Trong vai khách hàng cần một chỗ nghỉ ngơi, chúng tôi dừng hỏi một chủ hàng về giá cả. Chị này cho biết, nếu ngồi chơi không, không ăn uống gì thì giá là ba mươi nghìn đồng để thuê một cái chiếu. Nếu có ăn uống thì miễn phí chỗ ngồi. Nhưng khi chúng tôi hỏi về giá đồ ăn thì chị này không nói cụ thể, chỉ bảo chúng em lấy giá mềm thôi, anh cứ ngồi chơi không lo đắt đâu. Thế nhưng, khi chúng tôi thanh toán thì một cốc trà đá ở đây có giá tới 5.000 đồng, một cốc nước mía 20.000 đồng, một cốc nước hoa quả có giá 50.000 đồng.
Những đồ ăn khác giá cũng ngất ngưởng. Anh Kiên (Ân Thi, Hưng Yên) khi chở bạn gái đến đây ngồi thưởng lãm cảnh vật, đồng thời ăn một con mực nhỏ, một chai rượu vodka Hà Nội nhỏ, một đĩa dưa chuột và một ca trà đá đã phải thanh toán tới 480.000 đồng. Khi thắc mắc giá đắt quá, bà chủ quán chỉ nói vỏn vẹn: "Ở đây thế cả".
Chị Hương (Thụy Hưng, Thái Thụy, Thái Bình) - một khách hàng thường xuyên ở đây, cho biết thêm, vào những ngày cao điểm như lễ hội, giá một chỗ ngồi lên tới 50.000 đồng. Còn đồ ăn thức uống thì tùy khách mà giá lên theo. Thậm chí, có khách chỉ dùng vài đồ lặt vặt cũng đã phải chi ra tiền triệu mà không biết kêu ai, vì "không hỏi giá trước". Dù biết giá cả nơi này rất đắt nhưng vì có không gian đẹp nên nhiều người vẫn chấp nhận.
Dẹp xong lại... như cũ
Vấn đề cạnh tranh nhau chỗ bán hàng không chỉ là vấn đề riêng của mỗi khu vực quanh sân vận động Mỹ Đình mà còn là vấn đề chung của các khu hàng rong, chợ cóc trên địa bàn Hà Nội. Nhưng ở đây tình hình này diễn ra rất phức tạp. Những xung đột lợi ích dẫn đến các vụ ẩu đả gây mất trật tự an ninh trên địa bàn diễn ra thường xuyên. Còn nhớ cách đây hơn 3 năm, một vụ án kinh hoàng đã xảy ra khi hai nhóm người vì tranh nhau chỗ bán hàng đã dẫn tới xô xát, đánh nhau. Hai người đã thiệt mạng trong vụ ẩu đả này đã làm dư luận dấy lên những lo ngại về tình hình an ninh, trật tự nơi đây.
Ngoài vấn đề an ninh, an toàn giao thông cũng là vấn đề gây bức xúc. Quảng trường trước sân vận động nằm trên trục chính tuyến đường nối đường Lê Đức Thọ với đường Lê Quang Đạo nên mật độ giao thông rất đông. Trong khi đó, vào buổi tối các phương tiện của người dân đến đây hóng mát để ngổn ngang dưới lòng đường, gây ách tắc và làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông.
Trả lời PV Người đưa tin về vấn đề này, thiếu tá Phạm Văn Sơn phó trưởng đồn Công an số 1 Mỹ Đình cho biết, lực lượng công an đồn đã phối, kết hợp với Công an xã Mễ Trì cũng như Công an xã Mỹ Đình cùng các lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát 113... rất nhiều lần tổ chức ra quân, giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng đường cũng như việc bán hàng rong của người dân quanh khu vực nhưng tình hình không mấy khả quan. Thiếu tá Sơn còn cho biết, lực lượng công an đã rất nhiều lần lập biên bản, xử lý hành chính các đối tượng vi phạm nhưng những đối tượng đó thậm chí chấp nhận mất hàng, không đến cơ quan chức năng nộp phạt, vẫn tiếp tục tái phạm.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo thiếu tá Sơn, là do quá trình đô thị hóa nhanh chóng, người dân mất đất sản xuất, trong khi chưa tìm được công ăn việc làm ổn định. Hơn nữa, nghề bán hàng rong đem lại thu nhập khá nên dù bị cấm, họ vẫn cứ vi phạm. "Có hôm mình thu giữ hàng mấy xe đồ nhưng khi trở về đồn, quay lại tình hình lại như cũ" - thiếu tá Sơn nói.
Phạm Thiệu