Như một quy luật từ các khu ven đô Hà Nội đến tỉnh lẻ, hễ ở đâu có những công trình công cộng hay một trụ sở cơ quan nào đó thì sẽ có những dịch vụ "cóc" "nhảy" ngay đến đó. Nào là trà đá, thuốc lào, vé số, cơm phở... nhiều cứ gọi là không thể kể hết. Nhiều người bảo bán cho ai mua khi nhìn vào những quán nước lèo tèo vài cái cốc, vài cái ấm, xô đá, phích nước... nhưng không hẳn thế. Dù là các khu vực vắng vẻ buồn tẻ đến mấy thì có cung mới nảy ra cầu. Dù là công nhân, hay dân công sở, dù ở vị trí cao sang hay tầng lớp bình dân trong xã hội... hễ cứ rảnh rỗi, nhàn hạ một chút hay thậm chí là bức xúc trong công việc, bất đồng quan điểm với đồng nghiệp là lại lân lê ra làm chén trà đá, con đề, bát phở. Rồi đến khi đường đã xong, phố đã thành, những dãy nhà thô nhám đã lăn sơn gắn mác công sở thì những quán ấy bỗng lịch lãm với với ghế nhựa, tủ kính chả kém gì ai.
Dù là khi đứng ngọ hay buổi xế chiều, thậm chí tranh thủ giờ làm việc, bóng công chức cổ cồn ngồi nhâm nhi "chém gió". Nơi tưởng như bình dân nhất bỗng trở thành nơi tụ họp nhiều trí thức nhất. Mọi triết lí, phát kiến đều được công bố ở đó, một hội nghị an toàn và ít tốn kém. Khi đã hả cơn thịnh nộ hay giải ngố với dăm ba câu chuyện rất đời, phủi quần, xô ghế đứng dậy, trả tờ bạc lẻ xong rồi mỗi người lại trở về công sở nghiêm túc như thường.
Không phải ý tưởng sáng tạo nào cũng được lọt lòng ở nơi nhà cao cửa rộng. Không gian dân dã, đời thường từng gợi hứng cho những phát kiến, tứ thơ, ý tưởng sáng tạo. Thế nhưng, phần lớn những cuộc "đàm thiên thuyết địa" này chỉ phục vụ cho thú nói khoác đã được nâng cấp bằng dăm ba công thức tư duy học mót. Nghe họ nói nhiều thấy quen quen, hao hao giống nhau. Ai cũng cố chứng tỏ cái đầu mình không chỉ để mọc tóc, mình là một người canh tân: Nào là chuyện giờ cao su của người Việt, văn hóa giao thông, thói háo danh, lãng phí... Vậy mà lát sau chính họ lại vượt đèn đỏ, lại ngồi nghĩ cách kiếm tiền nâng cấp điện thoại và đương nhiên đang bỏ phí thời gian vào những cuộc “chém gió” thế này. Ai nhẹ dạ cả tin nhìn họ đầy khâm phục, ai đã biết ngoảnh mặt quay đi mà buồn cho một thú vui nói "trạng" mà cứ tưởng mình tuyên ngôn triết học.
Bạn có thể chép miệng: Đó là chuyện vô bổ không chết ai. Thế nhưng không phải vô bổ nào cũng vô hại. Những phát ngôn phù phiếm kia dần sẽ che lấp cái bản năng cống hiến của tri thức, những toan tính vụn vặt kia sẽ còn đeo bám để ăn mòn ý thức sáng tạo. Từ sáng đến chiều, từ năm này qua năm khác, nhịp thời gian vùn vụt trôi đi chẳng mấy mà già. Bởi thế, những phút giây trà đá thực sự là một điều khiến người viết thoáng buồn nghĩ đến chuyện xưa Từ Thức lấy vợ tiên. Anh trở về giật mình giữa hai độ đo thời gian của cõi tiên và trần thế. Còn giờ đây, nhiều công chức của chúng ta đang tự lên tiên để vờ quên "tám giờ vàng ngọc" bằng thú vui này.
Ngẫm cho cùng, trà đá là cách để xả "stress" (căng thẳng), theo định nghĩa của một số người, là nơi gặp gỡ hội tụ của những tư tưởng lớn theo quan niệm của một số người khác, hay đơn thuần chỉ là nơi "chém gió" (nói khoác) trong mắt người xét nét, khó tính thì cũng không có gì sai cả. Quan trọng là mỗi người định nghĩa như thế nào về nó để biến nó thành cái hữu ích thật sự hay vô bổ, giết thời gian một cách nhàm chán.
Thời gian trôi đi, năm tháng đã tạo nên một định nghĩa mới về văn hóa, đó là văn hóa trà đá. Ở góc văn hóa tưởng nhỏ nhoi này, cái tầm, trí thức hay giá trị của con người cũng chỉ từ một ly nước màu vàng chanh mà ra. Nếu chịu khó nhìn và để ý, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, quán trà đá bây giờ tuy có chỗ giản đơn đến lúp xúp lại trở thành nơi xôm tụ của rất nhiều tầng lớp văn hóa khác nhau. Nhiều người thích ngồi trà đá vỉa hè trao đổi công việc hơn là vào những quán cafe sang trọng. Nhưng cũng không thiếu trường hợp chỉ vì cái nhìn không thiện cảm ở quán trà đá mà thành ra xô xát, dẫn đến án mạng. Một xã hội thu nhỏ bên những ly trà đá! Thật không quá phô trương khi ví von như vậy. Và dù là trong xã hội nào thì con người cũng nên sống đúng mực với những phép lịch sự cơ bản để tránh cho mình những vạ miệng thị phi. Đừng nghĩ trà đá chỉ là “chém gió”!
Bảo Vy