Ngày 27/12, TAND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã đưa vụ án 5 bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành gồm Phạm Văn Ẩn (SN 1962, ngụ huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), Phạm Đức Tú (ngụ huyện Tân Phú, Đồng Nai), Lê Văn Lang (SN 1964, ngụ huyện Nhơn Trạch), Trương Văn Lớn (ngụ huyện Nhơn Trạch), Lê Ngọc Tuân (SN 1986, ngụ Đồng Nai) bị truy tố về tội “Hủy hoại tài sản” ra xét xử.
Trong quá trình xét xử, đại diện bị hại nêu ra các vấn đề như: Cáo trạng chưa nêu rõ động cơ gây án, còn đồng phạm khác, tình tiết tăng nặng...
Luật sư của bị hại cũng cho rằng những người liên can đã có những lời khai không trùng khớp và qua những đoạn ghi âm có giọng ông Trần Văn Tròn (nhân viên bảo vệ rừng) thể hiện ông Tròn là người chỉ huy trong vụ việc nên vụ việc đánh trói người, hủy tài sản là có tổ chức không phải bộc phát.
Việc đưa ông Tròn ra khỏi cáo trạng, không truy tố hình sự đối với ông Tròn là sai thủ tục tố tụng... Hơn nữa, tại phiên tòa ngày 27/12 các thợ hồ, người chứng kiến vụ việc lại vắng mặt, không có lời khai trước tòa.
Vì vậy, các luật sư của bị hại đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Sau một ngày xét xử, đến chiều cùng ngày, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung với lý do cần làm rõ thêm một số tình tiết như có đồng phạm hay không, tội phạm gây thương tích, bắt trói người,...
Trước đó sáng 24/11, TAND huyện Nhơn Trạch cũng đã mở phiên tòa xét xử 5 bị cáo là bảo vệ rừng Long Thành (thuộc Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Long Thành) về tội "Hủy hoại tài sản". Tuy nhiên, thời điểm này phiên tòa phải tạm hoãn do bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc (chủ đầm tôm tại ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) có đơn xin hoãn xét xử.
Nhiều bảo vệ hầu tòa vì làm việc thiếu "chuyên nghiệp"
Trước đó, vào khoảng 13h30 ngày 26/2, lực lượng bảo vệ rừng thuộc ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành phát hiện có bốn người thợ xây, gồm Hà Thanh Dũng, Nguyễn Thanh Liêm, Huỳnh Quang Hùng, Thái Thanh Hoài xây dựng công trình của bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc ở ấp Bà Trường, Phước An, Nhơn Trạch nên lực lượng bảo vệ rừng yêu cầu dừng ngay việc thi công.
Lúc này Phạm Đức Tú cùng ông Đàm Văn Đắc, Trần Văn Tròn đi vào trong chòi của bà Ngọc để mời những người thợ về trụ sở UBND xã Phước An làm việc.
Khi ông Tròn đi vào trong chòi của bà Ngọc thì xảy ra xô xát, trong lúc hai bên giằng co nhau, bà Ngọc bị bảo vệ vứt 2 điện thoại hiệu Nokia xuống sông, không tìm được (do bà Ngọc khai). Bà Ngọc cũng khai lực lượng bảo vệ đã đánh ông Ni, trói ông Ni (cha của bà Ngọc).
Lực lượng bảo vệ nhanh chóng mời ba người thợ là Dũng, Hoài, Hùng xuống ghe để đưa về trụ sở Công an Phước An làm việc.
Cùng lúc này 5 cán bộ bảo vệ rừng gồm Ẩn, Tú, Lớn, Lang, Luân đã ném 40 bao xi măng hiệu Starcrent của bà Ngọc xuống sông Thị Vải làm hư hỏng toàn bộ số xi măng trên.
Về những vấn đề trên, cơ quan chức năng nhận định việc bà Ngọc khai bảo vệ ném 2 điện thoại của bà Ngọc xuống đùm tôm không có căn cứ chứng minh nên không có cơ sở truy tố về hành vi hủy hoại tài sản đối với 2 chiếc điện thoại. Trong khi đó theo giám định thương tật bà Ngọc và ông Ni chỉ 0% nên không có cơ sở truy tố về hành vi cố ý gây thương tích.
Cách chức một Phó trưởng Công an huyện
Trong diễn biến của vụ việc, vào ngày 19/4, bà Ánh Ngọc nhận được thư mời của công an với nội dung mời lên công an xã Phước An, huyện Nhơn Trạch để làm việc về vụ các nhân viên bảo vệ rừng đánh bà Ngọc, hủy hoại tài sản của gia đình bà.
Tuy nhiên tại trụ sở xã, bà Ngọc bị Công an huyện Nhơn Trạch bắt tạm giam để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ xảy ra từ ngày 5/9/2015.
Không lâu sau đó, Viện KSND và Công an huyện Nhơn Trạch đã ra quyết định thả bà Ngọc sau 4 ngày tạm giam. Đồng thời sau đó Công an và Viện KSND huyện Nhơn Trạch đứng ra xin lỗi công khai đối với bà Ngọc.
Cũng xoay quanh vụ việc, hội đồng kỷ luật của Viện KSND tỉnh Đồng Nai đã quyết định kỷ luật khiển trách ông Nguyễn Chí Hà (Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Nhơn Trạch) và ông Phạm Hùng Chinh (kiểm sát viên) do phê chuẩn dẫn đến bắt oan bà Ngọc.
Công an Đồng Nai cũng ra quyết định cách chức Phó trưởng Công an huyện Nhơn Trạch là Thượng tá Trương Quốc Hiếu. Ngoài ra, Thiếu tá Nguyễn Văn Sơn, Phó đội trưởng đội điều tra tổng hợp Công an huyện trên cũng bị cách chức.
Cả hai bị cách chức, kỷ luật do liên quan đến việc khởi tố, bắt giam oan bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc về hành vi chống người thi hành công vụ.
Sau khi bị cách chức, Thượng tá Hiếu cũng nhận quyết định nghỉ hưu do đủ tuổi công tác.
Nguyễn Nhâm