Ngày 7/12, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên toà xét xử bị cáo Điểu Phong (SN 1990, ngụ tỉnh Bình Phước) về tội Giết người.
Theo bản án sơ thẩm, chiều 9/10/2011, sau khi đi nhậu, Điểu Phong rủ nhóm bạn về nhà bà ngoại của mình là Thị K. để uống rượu tiếp. Khi về đến nhà bà ngoại, cả nhóm gặp Điểu Sớm và Điểu Thơm nên rủ vào nhậu cùng.
Nhậu được một lúc thì Điểu Sớm say rượu nên nằm ngủ, còn Điểu Phong ói ra nền nhà và không dọn dẹp. Khi bà K. về, thấy Phong ói ra nhà nên chửi mắng cháu. Bị bà chửi, Phong không nói gì mà bỏ đi. Sau đó, Phong nảy sinh ý định giết bà ngoại để trả thù.
Một lúc sau, Phong cầm theo một con dao rồi quay trở lại nhà bà K.. Khi bà K. vừa bước ra cửa thì bị Phong đâm gục tại chỗ. Sau khi gây án, Phong chạy ra suối rửa tay chân và dao, đem hung khí đi cất rồi tiếp tục lên giường ngủ như không có chuyện gì xảy ra.
Con, cháu bà K. phát hiện thì thấy bà bị đâm nhiều nhát nên đưa bà K. đi cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng nên bà K. đã tử vong.
Với hành vi phạm tội trên, Phong bị TAND tỉnh Bình Phước tuyên phạt mức án chung thân. Liên quan đến vụ án, bị cáo Điểu Sớm (SN 1990) lãnh 17 tháng 8 ngày tù về tội Không tố giác tội phạm.
Sau khi có bản án, bị cáo Phong và mẹ ruột Phong (đại diện bị hại) đều có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho Phong.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX xét thấy cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Cụ thể, bị cáo là người dân tộc thiểu số nhưng không có người phiên dịch khi lấy lời khai, luật sư của bị cáo không được theo suốt giai đoạn đầu tố tụng,...
Ngoài ra, lời khai của các nhân chứng và bị cáo tại tòa mâu thuẫn với bản án sơ thẩm. Từ đó, HĐXX quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về cho cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước để điều tra, xét xử lại.