Báo Người Đưa Tin đã có bài “Phẫn nộ với cán bộ vòi tiền người dân đang trong cảnh cùng cực” về việc Thẩm phán Toàn đòi hối lộ với cả người sắp chết.
Nội dung, trong hoàn cảnh ốm sắp chết, vợ bỏ đi biệt xứ, ông Nguyễn Văn Đức làm đơn xin ly hôn, nhưng ông cũng bị Thẩm phán Toàn vòi tiền. Chỉ đến khi ông Đức chịu hối lộ ông Toàn 1 triệu đồng, vụ ly hôn mới được xử. Nhưng khi tòa có phán quyết đồng ý cho ly hôn thì ngay ngày sau, ông Đức đã không còn trên thế gian.
Hai con nhỏ của ông không nơi nương tựa. Gia đình làm đơn xin chứng nhận hoàn cảnh mồ côi để được trợ cấp, nhưng một lần nữa thẩm phán này lại tiếp tục vòi tiền. Thẩm phán Toàn không chỉ nhắn tin xin tiền mà còn trắng trợn nói với gia đình ông Đức "Chi 2 triệu đồng để được hưởng chế độ của Nhà nước lâu dài mà em nói không đáng là sao?".
Nhẫn tâm, trắng trợn đến thế là cùng.
Theo thông tin của báo Tuổi trẻ, ngày 24/11, đại diện TAND huyện Trần Văn Thời vừa làm thủ tục trao trả lại 1 triệu đồng mà Thẩm phán Toàn đã nhận hối lộ cho bà Nguyễn Thị Hường (mẹ ông Đức). Trong biên bản trao trả ghi rõ: "Trao trả 1 triệu đồng tiền Thẩm phán Toàn nhận của ông Đức".
Nhận tiền hối lộ, bị lộ thì phải trả lại là chuyện tất nhiên. Nhưng xử lý như thế nào với người gây khó dễ, vòi vĩnh buộc người dân đưa hối lộ lại là điều được dư luận quan tâm.
Ông Giang Trung Kiên – Chánh án TAND huyện Trần Văn Thời cho biết, vừa có đề xuất gửi TAND tỉnh Cà Mau đề nghị xử lý kỷ luật đối với Thẩm phán Trần Thanh Toàn. Cụ thể, TAND huyện tiến hành bỏ phiếu kín, kết quả 50% thành viên đề xuất buộc thôi việc đối với Thẩm phán Toàn và 50% còn lại đề xuất ở ba mức cảnh cáo, khiển trách, hạ bậc lương. Các đề xuất này TAND huyện đã gửi lên TAND tỉnh chờ quyết định cuối cùng.
Dư luận có quyền hỏi: Việc nhận hối lộ 1 triệu đồng và tiếp tục đòi hối lộ 2 triệu đồng đã đủ yếu tố để xử lý hình sự hay chưa? Lẽ nào, với thẩm phán nên có ngoại lệ? Đặc biệt, kẻ đòi hối lộ với một người trong hoàn cảnh rất thương tâm: Bị bệnh nan y, sắp chết, 2 con nhỏ, vợ bỏ đi biệt xứ.
Thậm chí khi ông Đức đã nhắm mắt, xuôi tay, gia đình ông vẫn tiếp tục bị đòi hối lộ thì kẻ đó thực sự mất hết nhân tính: Tống tiền cả với những người khốn khó nhất. Vậy vẫn chưa đáng xử lý hình sự sao?
Lẽ nào, với con người như vậy chỉ xử lý hành chính? Kể cả về lý, về tình, cách đề xuất xử lý như vậy liệu có thỏa đáng? Những câu hỏi này dành cho các cơ quan chức năng và cục Điều tra, VKSND Tối cao.
Vương Hà
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả