Hết thời “ngồi chơi hưởng lương”
Theo nhận định của các chuyên gia, trả lương theo vị trí việc làm từ 1/7/2024 là một trong những cải cách đột phá, tăng tính chuyên nghiệp trong nền công vụ. Điều đáng nói, trả lương theo vị trí việc làm sẽ khuyến khích người tài.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) nhìn nhận, cải cách tiền lương hướng tới đảm bảo mức lương chi trả tương xứng, thể hiện đúng giá trị sức lao động của cán bộ, công chức, viên chức là tư duy mới và cũng thể hiện được bản chất của cải cách chính sách tiền lương. Đặc biệt khi có bảng lương của chức vụ lãnh đạo và một bảng lương chuyên môn nghiệp vụ.
Ông Bùi Sỹ Lợi ủng hộ việc xây dựng đội ngũ chuyên gia cao cấp là những người có năng lực, đi sâu nghiên cứu mà không nhất thiết phải phấn đấu trở thành người quản lý như vậy sẽ đáp ứng mục tiêu thu hút nhân tài và tranh thủ năng lực của những người có trình độ chuyên môn cao để đóng góp cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, vấn đề là phải đánh giá đúng năng lực chất lượng, trình độ chuyên môn; hay nói cách khác chuyên gia đầu ngành không thể được áp dụng một cách tràn lan.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tạo được nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương.
Liên quan đến trả lương theo vị trí việc làm, trước đó, trả lời Người Đưa Tin, ĐBQH Khóa XIII Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, trả lương theo vị trí việc làm sẽ xóa bỏ tình trạng cao bằng và “bình quân chủ nghĩa” như hiện nay, giúp phản ánh đúng giá trị lao động tương ứng với đồng lương được hưởng.
Theo ông Tiến, trả lương theo vị trí việc làm nhằm khuyến khích cán bộ, công chức và người lao động phát huy hết khả năng, trí lực của mình trong công việc. Vị trí việc làm nào, kết quả thực hiện công việc ra sao sẽ được hưởng lương theo hiệu quả, trách nhiệm của công việc đó. Khi nào lương được trả theo vị trí công việc, hiệu quả công việc thì không cần giảm, lúc đó bộ phận yếu kém, “ngồi chơi hưởng lương” hay “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” cũng tự loại mình ra khỏi guồng máy.
Ông Lê Như Tiến cho rằng, trước đây, chúng ta áp dụng trả lương theo hệ số và lên lương theo năm công tác của cán bộ. Điều này có nghĩa người làm lâu được hưởng lương cao và ngược lại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải cứ người nhiều tuổi thì đóng góp nhiều hơn và làm việc tốt hơn. Không cần biết bằng cấp gì, khi đã mô tả công việc theo một khung năng lực, một người dù mới vào hay lâu năm, cứ đáp ứng yêu cầu công việc tại vị trí việc làm đó, phải được trả lương tương xứng công sức bỏ ra và kết quả đạt được.
Trả lương công chức theo vị trí việc làm là bảo đảm trả lương đúng, trả lương công bằng với kết quả hoạt động công vụ. Mô hình này bảo đảm hệ thống trả công lao động gắn với vị trí việc làm và chất lượng, hiệu quả công việc, không trả lương theo người.
Cũng theo ông Lê Như Tiến, để có tiền lương xứng đáng với cống hiến của người cán bộ thì phải có một cơ chế đánh giá thành tích và sự cống hiến một cách khách quan, công khai, minh bạch. Khi đưa vị trí việc làm là yếu tố quan trọng nhất để xác định thang bảng lương thì cần có tiêu chí đánh giá đúng năng lực, không làm tổn thương người làm nhiều mà hưởng lương không tương xứng.
Thực hiện chuyển đổi mô hình công vụ theo vị trí việc làm đặt ra một khối lượng công việc to lớn mà nền hành chính nhà nước phải giải quyết.
Liên quan đến chính sách tiền lương, theo các chuyên gia, trả lương theo vị trí việc làm, trước hết cần làm rõ “ma trận việc làm”, mỗi công chức là một vị trí việc làm đang đòi hỏi phải xác định cụ thể những công việc phải làm, điều kiện cần phải có để đáp ứng. Phải xác định đúng vị trí việc làm; xác định được các chức danh gốc và xây dựng các tiêu chuẩn chức danh gốc của hệ thống; xác định được cơ cấu ngạch chức danh và quản lý biên chế; xác định mức lương thấp nhất khu vực quản lý Nhà nước; đánh giá trả lương và tương quan mức lương của công chức lãnh đạo so với mức lương của công chức chuyên môn dưới quyền; xây dựng các mức lương theo vị trí việc làm; tạo nguồn cho quỹ trả lương công chức và đánh giá trả lương theo hiệu quả làm việc; thực hiện nguyên tắc phân cấp, phân quyền trong quản lý tiền lương…
Khẩn trương hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới
Theo tin từ Bộ Nội vụ, đơn vị đang hoàn tất hồ sơ về cải cách tiền lương mới để trình các cấp có thẩm quyền trước khi trình Bộ Chính trị. Sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến, đây sẽ là cơ sở cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành văn bản thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024.
Chế độ lương mới sẽ được tính theo vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ được giao nhằm khắc phục được những điểm lạc hậu, hạn chế, bất hợp lý của cách tính lương hiện hành.
Trước đó, Bộ Nội vụ nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hà Nội do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo công văn số 48/BDN ngày 24/1/2024.
Nội dung kiến nghị như sau: “Đề nghị Bộ Nội vụ sớm có văn bản hướng dẫn bảng lương theo vị trí việc làm áp dụng từ 1/7/2024, để người lao động trong khối hành chính sự nghiệp nhà nước được biết và yên tâm công tác”.
Bộ Nội vụ trả lời như sau: Căn cứ Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2023-2024 Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ Nội vụ đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới. Trong đó, có nội dung kiến nghị của cử tri trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII từ ngày 01/7/2024.
Tương tự, Bộ Nội vụ nhận được kiến nghị của cử tri các tỉnh: Thái Bình, Tây Ninh, Bình Dương, Vĩnh Long do Văn phòng Chính phủ chuyển đến tại Công văn số 840/VPCP-QHĐP ngày 2/2/2024 (gửi kèm theo Công văn số 48/BDN ngày 24/01/2024 của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
Nội dung kiến nghị như sau: “Cử tri phản ánh việc điều chỉnh tăng lương chưa kết hợp chặt chẽ với việc kiểm soát giá cả thị trường dẫn đến tình trạng khi chính sách tiền lương vừa được thông qua và chưa có hiệu lực thi hành thì giá cả các mặt hàng tiêu dùng đã tăng.
Cử tri kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường... để việc tăng lương bảo đảm mục đích, ý nghĩa nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Cử tri đề nghị Chính phủ khi điều chỉnh chính sách tiền lương cần phải tính đến việc bảo đảm quyền lợi cho những đối tượng đang có phụ cấp”.
Trao đổi với báo chí, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đinh Ngọc Quý cho biết, Hội nghị lần 8 của Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành nghị quyết và giao Chính phủ trình Quốc hội tiến độ cải cách tiền lương. Theo đó, xây dựng bảng lương mới thay cho bảng lương hiện nay, gồm bảng lương về chức danh lãnh đạo từ Trung ương cho đến cơ sở, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ và 3 bảng lương cho lực lượng vũ trang; Sắp xếp, thu gọn chế độ phụ cấp so với hiện nay; Chế độ tiền thưởng bằng 10% quỹ tiền lương cơ bản không bao gồm phụ cấp; Chế độ nâng bậc lương; Nguồn kinh phí để thực hiện chế độ cải cách tiền lương; Quản lý tiền lương và thu nhập.
M.Vy (t/h)