Cơn giận dữ của thiên nhiên ngày càng khốc liệt khiến con người phải tự nhìn nhận lại hành động của chính mình. Ngay trên mảnh đất hình chữ S mới đây tại Nậm Nức (Lào Cai) lũ quét, sạt lở đất khiến nhiều gia đình gặp nạn, người chết, tiền của bị nước cuốn trôi. Chưa nguôi ngoai nỗi buồn, xót thương cho đồng bào thì khúc ruột miền Trung lại chìm trong nước lụt. Nước mênh mang, cô lập xóm làng, người dân lại chia sẻ nhau những gói mì tôm, chờ cứu trợ, chờ thiên nhiên nguôi cơn giận để…làm lại từ đầu.
Hình minh họa
Thiên nhiên nổi giận quét qua vùng đất nào cũng để lại chứng tích nhức nhối. Qua miền Trung cát trắng, gió Lào, Đồng bằng sông Cửu Long lại ngập chìm trong nước lũ, ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Con người hiểu, cơn thịnh nộ của thiên nhiên là khốc nghiệt, nhưng hậu quả của ngày hôm nay chính là sự thờ ơ, vô trách nhiệm, sự tàn phá hủy hoại môi trường sống của chính con người.
Nhìn nhận lại chính mình, hành động thiết thực để bảo vệ môi trường sống là những gì các tổ chức vì Hành tinh xanh đang kêu gọi. Chúng ta rất cần những hoạt động của các cựu chiến binh phường Hòa Vang (Đà Nẵng) đi thu gom rác thải du khách sơ ý để lại trên bãi biển để bảo vệ sự trong xanh của biển cả mà thiên nhiên ưu ái ban tặng nơi đây. Những tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, những hoạt động thiết thực của nhiều cá nhân, tổ chức thiết thực hưởng ứng ngày Môi trường thế giới…, các bạn trẻ mang khẩu hiệu, biểu ngữ kêu gọi mọi người tham gia giao thông tắt máy khi dừng xe chờ đèn đỏ. Những hành động, dù nhỏ, cũng góp phần tích cực bảo vệ môi trường.
Trong cuộc sống hiện đại, thời gian luôn eo hẹp, nhưng có những người đã dần thay đổi thói quen tiện ích của mình để trở về với thiên nhiên. Vợ chồng anh Lê Nam (Thanh Xuân- Hà Nội) đã gác lại các phương tiện giao thông tiện ích tiêu tốn xăng như ô tô, xe máy để tìm đến… xe đạp. Với họ, đạp xe vừa tốt cho sức khỏe, lại vừa tích cực tham gian bảo vệ môi trường. Hay với gia đình anh Nguyễn Quang Thắng (Trung Yên- Hà Nội) cả gia đình đạp xe vào cuối tuần để hưởng ứng các hoạt động vì môi trường. Họ cho rằng giáo dục, rèn luyện con trẻ ý thức bảo vệ môi trường sống là rất quan trọng.
Anh Lê Nam đi làm cách nhà 25 km, tuy có ô tô riêng, nhưng từ lâu chỉ khi cả nhà về quê anh mới sử dụng ô tô. Khi đi làm, anh Nam rong ruổi trên chiếc xe đạp hiện đại, dù có mất thời gian hơn nhưng bù lại anh được hưởng cái nắng, gió của thiên nhiên và tập thể dục. Chiếc xe đạp Xtasy của anh Nam mua với giá 15 triệu đồng, cộng với các phụ kiện đi kèm cũng lên tới trên dưới 20 triệu đồng. "Tôi được đạp xe, giảm việc sử dụng xăng, góp phần bảo vệ môi trường. Ở cơ quan tôi, cũng có nhiều người bỏ ô tô để đi xe đạp. Tôi nghĩ đó là một phong trào mang ý nghĩa tốt đẹp cần nhân rộng", anh Nam chia sẻ.
Từ ngày 14 đến ngày 16/9, khắp nơi trên Hành tinh xanh hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng từ năm 1993, được Chương trình Môi trường Liên Hiệp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu, được đồng loạt tổ chức vào tuần thứ 3 tháng 9 hằng năm. Chiến dịch đã trở thành một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu người và hơn 130 quốc gia. Việt Nam tham gia hưởng ứng Chiến dịch từ năm 1994. Đây được coi là đợt sinh hoạt chính trị về bảo vệ môi trường trên khắp cả nước.
Đà Nẵng vinh dự được chọn là nơi phát động quốc gia hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2012. Từ đây, thông điệp sẽ được lan tỏa tới các địa phương trong nước cũng như hòa vào hưởng ứng Chiến dịch ở hơn 130 quốc gia trên thế giới. Từ Đà Nẵng, bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phát đi thông điệp: Mỗi người đều có thể tham gia hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn bằng hành động đơn giản như hạn chế dùng túi nylon, bỏ rác đúng nơi quy định, tiết kiệm điện-gas, lên án các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Hãy bắt đầu bảo vệ môi trường đơn giản từ nơi sinh sống của mình, từ đấy sẽ có tác dụng lan tỏa đến toàn cầu và làm cho thế giới sạch hơn.
Đó đây, vẫn có những hành vi xâm hại môi trường như phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép hủy hoại tài nguyên môi trường khiến ta xót xa thì lại dịu lòng với những hành động dù rất nhỏ của những con người xung quanh chung tay góp sức bảo vệ môi trường sống. Họ là những người đang góp sức nhỏ… trả nợ cho thiên nhiên!
Nguyệt Hà