Vào năm 2017, giá cá lóc nuôi thương phẩm sụt giảm thê thảm chỉ còn khoảng 23.000 đồng/kg thì sau 5 năm, biến động mạnh từ thị trường đã lặp lại tại vùng nuôi Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
Ghi nhận của Lao Động, thời điểm này, giá cá lóc chỉ dao động phổ biến ở mức 28.000 - 33.000 đồng/kg. Trong khi đó, để nuôi 1kg cá, nông dân phải tốn chi phí khoảng 40.000 đồng. Hiện nay, có thương lái thu mua nhưng rất chậm và một phần nông dân còn neo ao chưa chịu bán vì sợ lỗ nặng.
Ông Thạch Ngọc Thanh (ở xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) cho biết, ông có 4 ha mặt nước nuôi 1.000 tấn cá. Hiện cá lóc của ông đã vào lứa chuẩn xuất bán, trọng lượng từ 0,5 - 1kg/con. Nhưng giá bán sụt giảm từ 20-30% so với chi phí đầu tư.
Theo ông Thanh, hiện nay chi phí thức ăn và các loại thuốc kháng sinh đầu tư cho 1kg cá thành phẩm mất khoảng 40.000 đồng, với giá hiện nay, nếu xuất bán, ông lỗ từ 8 - 12 triệu/tấn cá.
“Hiện nay, tôi bán cầm chừng để chờ giá tăng trở lại, nhưng cũng chỉ hết tháng 2/2024 là phải dọn sạch ao để thả con giống mới. Hy vọng vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán tới đây, sức mua cải thiện và giá cá đảo chiều tăng trở lại”, ông Thanh cho biết thêm.
Ông Kim Sơn (ở xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) cho biết, nhà ông có 1 ha nuôi cá thâm canh. Gần 3 năm qua chưa khi nào giá bán thấp như hiện nay. Giá cả sụt giảm đã đặt nông dân vào thế khó.
Theo ông Sơn, nếu “bán đổ, bán tháo” thì lỗ nặng. Còn nếu “neo cá” sẽ làm gia tăng chi phí đầu tư thức ăn, cá vượt ngưỡng phát triển và ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến thời gian vệ sinh ao trước khi thả nuôi đợt tiếp theo.
Vừa là người nuôi cá lóc vừa là thương lái có hơn chục năm mua các loại thủy sản nước ngọt, bà Lê Thị Duyên (ở xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) cho biết: Vào năm 2017, giá cá lóc cũng giảm còn 20.000 - 25.000 đồng/kg, sau đó bắt đầu tăng trở lại từ năm 2019.
"Hiện nay, sản lượng cá lóc tăng nhiều, từ đó giá thành lại giảm. Tuy có những cơ sở mua cá lóc sản xuất khô, làm mắm nhưng vẫn không thể giải quyết được lượng lớn cá lóc của người dân trong huyện Trà Cú", bà Duyên cho biết thêm.
Theo VOV Giao Thông, nguyên nhân giá cả sụt giảm được chỉ ra là do sản lượng cá tăng ồ ạt, trong khi tiêu dùng thì thắt chặt do ảnh hưởng của kinh tế khó khăn. Chủ quan tình hình 4 năm liền giá cá lóc ổn định đã tạo động lực để các hộ dân trên địa bàn liên tục mở rộng diện tích nuôi tự phát. Nếu năm 2019, toàn huyện Trà Cú có khoảng 1.200 hộ nuôi cá lóc trên tổng diện tích gần 300 hecta thì 2023, địa phương này ghi nhận có khoảng 1.500 hộ nuôi với 450 hecta diện tích mặt nước được thả nuôi.
Tổng sản lượng cá lóc thương phẩm thu hoạch năm 2022 tại Trà Cú được ghi nhận ước đạt 46.250 tấn. Nông dân chuyển đổi diện tích đất trồng mía sang đào ao nuôi cá kết hợp trồng cỏ nuôi bò. Trung bình giá cá dao động từ 45.000 đến 48.000 đồng/kg thì người nuôi có lãi khoảng 40 – 50 triệu đồng/1.000 mét vuông mặt nước.
Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Cú cho biết thêm: "Giảm lượng nuôi lại để sản lượng giảm thì giá cả mới ổn định. Chính vì từ đầu năm giá cả ổn định nên khiến bà con ồ ạt thả nuôi mà thị trường thì lại lệ thuộc nhiều phía, trong nước lẫn ngoài nước. Ngành chuyên môn chúng tôi thì không thể can thiệp thị trường nên chỉ có thể khuyến bà con không nên thả nuôi rầm rộ, phải thả đúng lịch thời vụ và chọn con giống chất lượng".
Biến động thị trường đã cho thấy hạn chế của phong trào nuôi cá lóc tự phát, loại thủy sản này hiện chủ yếu tiêu thụ nội địa nên mở rộng diện tích sẽ dẫn đến cung vượt cầu, giá cả xuống thấp. Do vậy, ngành nông nghiệp huyện Trà Cú khuyến khích các hộ nuôi thủy sản đa dạng hóa giống vật nuôi như tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng, cua biển, cá thác lác, cá sặc rằn…
“Ngành nông nghiệp huyện Trà Cú khuyến cáo các hộ nuôi thủy sản đa dạng hóa giống vật nuôi như tôm thẻ chân trắng, cua biển, cá thác lác,… ngành sẽ hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn người dân quy trình nuôi”, ông Thảo nói thêm.