TPHCM đã chuyển hồ sơ đơn vị đầu tiên để chuẩn bị khởi tố
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Mai Đức Thắng – Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết, hiện nay tổng số nợ bảo hiểm là 12.960 tỷ đồng. Trong đó, nợ BHXH khoảng 10.000 tỷ, nợ BHYT khoảng 2.000 tỷ đồng…
Cũng theo ông Thắng, trong thời gian qua, phía BHXH Việt Nam đã thực hiện công tác thanh tra xử phạt nghiêm ngặt nên nợ giảm tương đối lớn.
“Khi chúng tôi gửi quyết định thanh tra, nhiều doanh nghiệp trả nợ ngay, hay khắc phục phần nào, có những doanh nghiệp xin khất có thể trả trong quý tới”, ông Thắng nói.
Hiện nay, ở TPHCM đã chuyển hồ sơ đơn vị đầu tiên sang chuẩn bị khởi tố. Đó là doanh nghiệp FDI và chủ doanh nghiệp đang có động thái bỏ trốn.
Về việc triển khai nội dung liên quan tới trốn nợ bảo hiểm được quy định tại bộ luật Hình sự 2015, theo ông Thắng, hiện nay, phía BHXH Việt Nam chưa triển khai nội dung này.
Lý do chưa triển khai được ông Thắng đưa ra vì, không phải doanh nghiệp nào nợ cũng đưa ra khởi tố mà phải đôn đốc, tiến hành thanh tra, xử phạt. Nếu sau đó các doanh nghiệp nợ bảo hiểm vẫn cố tình chây ì mới làm hồ sơ đem ra khởi kiện.
“Với doanh nghiệp FDI, về vấn đề nợ bảo hiểm, chúng tôi quản lý chặt. Trường hợp doanh nghiệp nợ hàng chục tỷ đồng trở lên, lập tức chúng tôi yêu cầu thanh tra ngay.
Tính đến hết năm 2017, số lượng doanh nghiệp FDI có chủ bỏ trốn về nước, mất tích là trên 100 doanh nghiệp. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho ngưởi lao động.
Bởi lẽ, với các doanh nghiệp nước ngoài tới nước ta đầu tư thì vỏ bao che, vốn không lớn nên thanh lý tài sản, các doanh nghiệp này cũng chưa trả đủ vốn vay ngân hàng. Vì thế, nợ bảo hiểm không đặt vấn đề được
Hơn nữa, một số đơn vị được ưu tiên trong việc giải quyết tài sản vốn liếng, nợ bảo hiểm không được ưu tiên”, ông Thắng trao đổi.
Bàn về trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm trong việc doanh nghiệp FDI bỏ trốn, ông Thắng chỉ rõ, hiện tại, phía cơ quan bảo hiểm chỉ có giải pháp theo dõi, đề nghị cơ quan quản lý có động thái với các doanh nghiệp này.
“Chúng tôi không làm gì được họ, chúng tôi không có quyền bắt hay thu hồi giấy phép hoạt động của họ. Chính vì thế chúng tôi thấy có nợ lớn, kéo dài chỉ có thể đề nghị với cơ quan Nhà nước quản lý các đơn vị này”, ông Thắng nhấn mạnh.
Cùng bàn về vấn đề này, ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: “Với doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn, chúng tôi có trách nhiệm: Thứ nhất, nắm rõ đối tượng; thứ hai, thực hiện tốt chức năng thanh tra đóng BHXH theo luật; thứ 3, thường xuyên cung cấp thông tin cho các cơ quan hữu quan để xử lý
Thời gian qua chúng tôi đã thực hiện và đặc biệt khi xảy ra một số vụ việc, chúng tôi tăng cường đẩy mạnh trách nhiệm thứ 3 để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động”.