Trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về lãnh đạo doanh nghiệp

Trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về lãnh đạo doanh nghiệp

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Sự việc 4.000 công nhân tại Công ty FreeWell đồng loạt bỏ việc vì phát hiện thức ăn có giòi đã gây bất bình trong dư luận. Xung quanh vấn đề này, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với TS.Đặng Quang Điều, viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

Doanh nghiệp "né" trách nhiệm

Thưa TS., ông có nhìn nhận gì trước sự việc 4.000 công nhân tại Công ty FreeWell (Bình Phước) đồng loạt bỏ việc vì phát hiện thức ăn có giòi, bốc mùi hôi thối?

Đây là sự việc vô cùng nghiêm trọng. Nó phản ánh việc tổ chức bữa ăn cho người lao động tại công ty này rất nhiều vấn đề. Theo như phản ánh của các công nhân, hầu hết thực đơn cho bữa trưa do căng tin cung cấp đều bị ôi thối, nhiều thứ đã có giòi. Được biết, trước đó, họ đã nhiều lần phản ánh về tình trạng bữa ăn kém chất lượng nhưng lãnh đạo công ty gần như "làm ngơ", không có động thái giải quyết. Khi sự việc lên đến đỉnh điểm, hơn 4.000 công nhân đã tổ chức đình công và bỏ việc để phản đối. Sự việc này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề an toàn thực phẩm tại các khu công nghiệp, chế xuất. Bởi hàng triệu lao động tại đây đang có nguy cơ bị bào mòn sức khỏe khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Vậy trách nhiệm của công ty trong sự việc này thế nào, thưa TS?

Trong sự việc này, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về lãnh đạo doanh nghiệp, tức công ty FreeWell. Công đoàn của công ty không đứng ra bênh vực, bảo vệ quyền lợi của công nhân nên họ cũng không tránh khỏi trách nhiệm. Trước khi cơ quan chức năng điều tra ra được nguyên nhân, phía doanh nghiệp này phải giải trình, đền bù, thậm chí công khai xin lỗi toàn bộ người lao động. Trường hợp sức khỏe của người lao động bị ảnh hưởng, phía công ty sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bất động sản - Trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về lãnh đạo doanh nghiệp

TS Đặng Quang Điều.

Ông có đánh giá thế nào khi một số người cho rằng, chỉ vì chạy theo lợi nhuận, một số doanh nghiệp đã "bỏ rơi" sức khỏe của người lao động?

Hiện nay, để "né" trách nhiệm, các doanh nghiệp thường chọn phương án "khoán trắng" cho các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp cho công nhân. Họ không cần biết các đơn vị này đã được sở Y tế cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm hay chưa, chất lượng đồ ăn thế nào. Một số doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, doanh thu mà "làm ngơ" trước chất lượng bữa ăn của người lao động. Cũng chính vì thả nổi việc kiểm tra, quản lý chất lượng mà bữa ăn của công nhân vốn dĩ đã teo tóp nay còn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thậm chí, họ còn bị đơn vị cung cấp đồ ăn bớt xén.

Người lao động bị "bỏ rơi"

Dường như chúng ta không có cơ chế để bảo vệ người lao động, đặc biệt về vấn đề vệ sinh thực phẩm. Khi sự việc xảy ra, họ cảm thấy lạc lõng vì bị bỏ rơi. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đúng vậy. Hiện nay chúng ta chưa có quy định cụ thể để quy trách nhiệm trong trường hợp này. Nhiều đơn vị đã lợi dụng kẽ hở để trốn tránh trách nhiệm khi sự cố xảy ra. Nhiều vụ việc đã gây nên hậu quả lớn, nhưng chỉ có doanh nghiệp cung cấp thức ăn phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Trong khi đó, chủ sử dụng lao động thì vẫn đứng ngoài vòng truy cứu trách nhiệm. Chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị ban hành những văn bản pháp quy, bắt buộc doanh nghiệp phải lo bữa ăn cho người lao động chứ không để họ "tự giác" như hiện nay. Bởi "tự giác" thì chẳng mấy đơn vị nghiêm túc thực hiện.

Theo quan điểm của tôi, vấn đề an toàn thực phẩm tại các khu công nghiệp nếu không được giải quyết sớm thì những người công nhân hàng ngày vẫn phải nơm nớp lo lắng về bữa ăn của mình. Cuối cùng duy nhất người công nhân phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. Sức lao động của họ bị mài mòn từ chính những suất ăn bẩn.

Nhiều công nhân phản ánh, tại một số doanh nghiệp, họ chỉ được hưởng khẩu phần ăn từ 8.000 đến 12.000 đồng/bữa. Với số tiền ấy sao có thể đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe, thưa TS?

Hiện Chính phủ không quy định doanh nghiệp phải hỗ trợ tiền ăn giữa ca cho người lao động, trừ doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Bởi doanh nghiệp loại này được trích không quá 620.000 đồng/tháng, tương đương 23.850 đồng/bữa/người. Đối với một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, tuy trên hợp đồng suất ăn công nhân có giá từ 8.000-12.000 đồng/bữa/người, nhưng khi đến tay họ thì suất ăn đã bị "biến dạng" rất nhiều. Rõ ràng, bữa ăn này không thể đảm bảo chất lượng và sức khỏe của họ.

Không riêng vấn đề an toàn thực phẩm mà tai nạn lao động, làm việc trong môi trường nhiễm độc… cũng đang là vấn đề đáng báo động, ý kiến của TS về tình trạng này như thế nào?

Điều này là không thể phủ nhận. Để giảm chi phí phát sinh, tăng lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp đang "bỏ quên" quyền lợi của những người làm công cho họ. Cùng với ngộ độc thực phẩm và tai nạn lao động, môi trường làm việc cũng là yếu tố tác động tiêu cực, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người lao động. Theo quy định của bộ Y tế, người lao động phải được khám bệnh nghề nghiệp định kỳ 6 tháng một lần hoặc 1 năm một lần. Tuy nhiên, trên thực tế, ở TP.HCM chỉ có 39% số đơn vị tổ chức khám bệnh cho người lao động. Chính vì vậy, hậu quả của sự lơi là này đối với sức khỏe và tuổi thọ của người lao động sẽ ảnh hưởng một cách nghiêm trọng.

Xin cảm ơn ông!

Bớt xén đồ ăn của công nhân, doanh nghiệp đang tự hại mình

Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất rằng, suất ăn tối thiểu ít nhất phải bằng 1% mức lương tối thiểu. Cụ thể, vùng 1 tối thiếu phải là 20.000 đồng/bữa/người, vùng 2 là 18.000 đồng/bữa, vùng 3 là 16.000 đồng/bữa… Doanh nghiệp "bòn rút" suất ăn của người lao động không những thiếu tình người mà còn kém thông minh. Bởi chất lượng bữa ăn được nâng cao, sức khỏe người lao động tăng lên chắc chắn năng suất lao động cũng sẽ nâng lên. Khi đó doanh nghiệp sẽ được lợi, công nhân "yếu" thì doanh nghiệp không thể "mạnh" được.

Anh Văn


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.