Những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội phản ánh thông tin về tình trạng mất an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Nhiều ô tô khi lưu thông theo chiều Cầu Giẽ - Ninh Bình đã bất ngờ va phải đá hộc nằm trên đường vị trí cách trạm thu phí Cao Bồ khoảng 1km. Tuy chưa gây thiệt hại về người nhưng các phương tiện đã bị hưu hỏng nặng, gây thiệt hại lớn cho người tham gia giao thông.
Đáng chú ý, sau khi xảy ra tai nạn, các chủ phương tiện đã chủ động bê đá ra khỏi đường cao tốc nhưng hôm sau lại xuất hiện tình trạng trên, nhiều khả năng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể do xe chuyên chở vật liệu làm rơi vãi đá hoặc do cố tình phá hoại.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đã có công văn gửi Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đề nghị làm rõ, xử lý tình trạng xuất hiện đá hộc xuất hiện trên cao tốc Cầu Giẽ.
Liên quan đến sự việc này, PV Báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang (Đoàn luật sư TP Hà Nội).
Theo quan điểm của luật sư Vinh, việc đầu tiên mà các cơ quan có thẩm quyền cần phải xác minh làm rõ là truy nguồn gốc số đá hộc xuất hiện trên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Việc này có thể điều tra, trích xuất từ camera giám sát hành trình trên tuyến đường này hoặc trích xuất từ camera tại trạm thu phí để tìm xem có phương tiện nào chở vật liệu xây dựng qua tuyến đường này hay không?…
Luật sư Vinh cũng đặt ra giả thiết: “Xuất hiện tình trạng này do xe chuyên chở vật liệu làm rơi hay có người cố tình phá hoại khi mà sự việc này lặp đi lặp lại trong nhiều ngày, gây mất an toàn, nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông trên tuyến đường này?”.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Vinh cho biết: Đối với các hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, tùy vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội mà sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định 46/2016/NĐ-CP hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Thông thường trong một vụ tai nạn giao thông hậu quả xảy ra có thể là: thiệt hại tính mạng, sức khỏe, hư hỏng xe, tài sản khác cũng như các thiệt hại về mất sức lao động, thiệt hại về tinh thần...
Trường hợp do xe vận chuyển vật liệu xây dựng lưu thông trên tuyến làm rơi vãi, chiếu theo quy định của pháp luật thì: Những thiệt hại này sẽ do bên có lỗi chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (trừ trường hợp chủ sở hữu xe phải bồi thường thay cho người có lỗi). Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường, (Điều 601, BLDS năm 2015).
Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền đồng thời tuyên truyền để lái xe chấp hành quy định không để vật liệu rơi vãi ra đường, gây mất an toàn giao thông.
Cũng theo quan điểm của luật sư Vinh, đoạn đường có đá hộc nằm trên đường chỉ cách trạm thu phí Cao Bồ khoảng 1km, nhưng sự việc này đã lặp đi lặp lại trong nhiều ngày, trong khi các phương tiên lưu thông trên tuyến đường cao tốc này đã phải chịu phí lưu thông, do vậy, cũng cần thiết xem xét trách nhiệm của đơn vị vận hành tuyến đường và cá nhân liên quan để xảy tình trạng trên.
“Bên cạnh đó, cần thiết phải tăng cường tuần tra, tuần đường phát hiện những yếu tố uy hiếp an toàn giao thông trên tuyến, kịp thời khắc phục đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông trên tuyến đường này, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc”, luật sư Vinh nêu quan điểm.